Cách đọc báo cáo tài chính đơn giản và hiệu quả

Báo cáo tài chính là tổng hợp các báo cáo về thông tin tình hình tài sản; vốn chủ sở hữu; nợ phải trả; kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp; và từ báo cáo tài chính; người ta có thể xác định được công ty làm ăn lãi hay lỗ. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư không phải ai cũng biết đọc hiểu báo cáo tài chính. Xin chia sẻ với các bạn cách đọc báo cáo tài chính đơn giản và nhanh nhất để các bạn có thể đọc và hiểu báo cáo tài chính- một công cụ quan trọng để nắm bắt tình hình tài chính của một doanh nghiệp.

1. Đọc Bảng Cân Đối Kế Toán

Trong một bộ báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán nên được phân tích đầu tiên. Khoan hãy nói đến doanh nghiệp này đang lãi hay lỗ, người đọc phải xác định được tài sản và nguồn vốn, vì nó là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và thực hiện toàn bộ quá trình kinh doanh.

Bảng cân đối kế toán phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp ở thời điểm cụ thể. Thường dữ liệu sẽ lấy ở đầu năm so với cuối năm, các báo cáo quý, tháng cũng tính từ ngày đầu đến ngày cuối kỳ.

Trong bảng cân đối kế toán có hai phần quan trọng là tài sản và nguồn vốn. Theo nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán: Tài sản = Nguồn vốn.

Tài sản chia thành hai loại:

  • Tài sản ngắn hạn là tài sản dưới một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh gồm tiền và các khoản tương đương tiền, khoản phải thu, hàng tồn kho,…
  • Tài sản dài hạn là tài sản trên một năm sử dụng gồm tài sản cố định như máy móc nhà xưởng,… và tài sản vô hình như bản quyền phát minh, bằng sáng chế,…

Tài sản ngắn hạn

Là những loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.

Bao gồm các mục chính như:

  • Tiền và tương đương tiền: gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Đây là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất của doanh nghiệp. Khoản mục này cũng là một trong số ít khoản mục ít bị tác động bởi kế toán.
  • Các khoản phải thu: là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán (còn nợ) cho doanh nghiệp. Đây là khoản mục mà bạn cần theo dõi sát sao.
  • Hàng tồn kho: Là giá trị hàng dự trữ của doanh nghiệp. Đó có thể là: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoặc hàng hóa…

Tùy thuộc từng doanh nghiệp mà tỷ trọng phân bổ hàng tồn kho sẽ khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất thì sẽ tồn kho một lượng lớn nguyên vật liệu.

Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại thì thường tồn kho chủ yếu là hàng hóa, thành phẩm.

Tài sản dài hạn

Là những tài sản sẽ có thời gian sử dụng trên 1 năm.

Trong đó, Tài sản cố định là khoản mục quan trọng.

Tài sản cố định bao gồm: Tài sản hữu hình (như máy móc thiết bị, nhà xưởng, máy tính…) và Tài sản vô hình (như bằng sáng chế, bản quyền phát minh…)

Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu sẽ nằm trong Nguồn vốn, phản ánh nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp.

Nợ phải trả

Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài.

Ví dụ như: chủ nợ, nhà nước, nhà cung cấp, người lao động…

Tương tự tài sản, Nợ phải trả cũng được chia làm 2 loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.

  • Nợ ngắn hạn là những khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính phải thanh toán dưới 1 năm.
  • Nợ dài hạn là những khoản nợ và nghĩa vụ tài chính được phép thanh toán trên 1 năm.

Các khoản mục chính ở phần nợ phải trả bao gồm:

  • Phải trả người bán: Thể hiện số tiền mà doanh nghiệp chưa thanh toán (còn nợ) cho nhà cung cấp.
  • Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Phải trả người lao động…: Tương tự, đây là khoản phải trả của doanh nghiệp đối với nhà nước (về thuế GTGT, thuế TNDN…), phải trả cho người lao động.
  • Vay và nợ ngắn hạn/dài hạn: Là khoản tiền vay nợ tín dụng. Nếu như các khoản nợ trên là nợ chiếm dụng (doanh nghiệp không mất chi phí sử dụng vốn), thì với khoản vay này doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng vốn (trả lãi vay cho ngân hàng).

Vốn chủ sở hữu

  • Vốn góp chủ sở hữu: hay vốn cổ phần, là số vốn thực tế được góp vào doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận chưa phân phối: Nếu trong năm tài chính, doanh nghiệp quyết định tái đầu tư thì phần lợi nhuận giữ lại sẽ được chuyển từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản này.
  • Ngoài ra có các loại quỹ như Quỹ đầu tư phát triển,…

Mục này đại diện cho tổng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp. Để Bảng cân đối kế toán cân bằng thì con số chênh lệch giữa Tài sản và Nợ phải trả sẽ là Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Khi đọc bảng cân đối kế toán nhà đầu tư nên: 

  • Quan sát số dư tiền và các khoản tương đương tiền: Nếu công ty có quy mô lớn, có lãi lớn nhưng khoản này thấp có nghĩa công ty đang bị thiếu hụt thanh khoản, chứng tỏ dòng tiền thiếu lành mạnh. Một tổ chức nên có số dư tiền mặt ít nhất 10% nợ ngắn hạn mới đảm bảo khả năng thanh khoản tức thời.
  • Quan sát nợ vay, lãi trả và hệ số nợ: Bởi vì nếu mức vay nợ cao, đồng vốn sinh lời sẽ thấp. Doanh nghiệp có dư nợ cao phản ánh việc quản trị kém hiệu quả dẫn đến doanh thu thấp. Lúc đó tỷ lệ lợi nhuận trên vốn giảm làm cho hiệu quả mở rộng đầu tư thấp vì tiền lời ưu tiên dùng cho trả nợ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp muốn sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ duy trì dư nợ cao, còn tùy vào chiến lược kinh doanh mà họ đang thực hiện.
  • Phát hiện các dấu hiệu của sự mất cân đối tài chính: Tài sản dài hạn sẽ được tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn, nếu tài sản dài hạn mà tài trợ bởi vốn ngắn hạn thì bất hợp lý. Xu hướng biến động vốn lưu động thuần giảm dần và âm cho thấy sự mất cân bằng tài chính, cho thấy công ty đang dùng nợ vay ngắn hạn để đầu tư vào tài sản dài hạn như mua thêm máy móc, nhà xưởng.

2.Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo KQKD là báo cáo tổng kết doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo (quý hoặc năm tài chính).

Báo cáo KQKD chia hoạt động của doanh nghiệp thành 3 mảng: Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động cốt lõi), Hoạt động tài chính và Hoạt động khác.

Công thức chung ở phần này là: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Hoạt động kinh doanh chính

Bao gồm các khoản mục:

  • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là doanh thu từ hoạt động kinh doanh “nòng cốt” của doanh nghiệp (sau khi trừ các Khoản giảm trừ doanh thu). Thông thường, đây là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
  • Giá vốn hàng bán: Thể hiện tất cả chi phí để làm ra hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp.
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần BH, CCDV – Giá vốn hàng bán
  • Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (QLDN).

Bạn có thể tính toán chỉ số:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần về bán hàng, CCDV

Chỉ số này cho biết…

…tỷ suất lợi nhuận thu được từ bán hàng và CCDV của doanh nghiệp là bao nhiêu?

Hệ số này nếu được doanh nghiệp duy trì ổn định, ở mức cao trong dài hạn, chứng tỏ doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khá rõ nét.

Hoạt động tài chính

Bao gồm các mục:

  • Doanh thu tài chính: có từ các nguồn như: lãi tiền gửi, lãi từ nhận đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá…
  • Chi phí tài chính: gồm có chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính,… phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.

Trong đó: Chi phí lãi vay và Lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) là 2 loại chi phí quan trọng mà bạn cần chú ý.

Lấy doanh thu trừ đi chi phí ở 2 hoạt động này, ta được Lợi nhuận thuần:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN

Hoạt động khác

Những gì không nằm trong hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính thì sẽ nằm hết ở đây. Thông thường, hoạt động này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Thu nhập khác: có nguồn từ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản hay được bồi thường hợp đồng…
  • Chi phí khác: Trái ngược với thu nhập khác, chi phí khác sẽ có nguồn từ lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản, phải bồi thường vi phạm hợp đồng…
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác

Lợi nhuận

Tổng hợp lợi nhuận từ những nguồn trên, chúng ta sẽ có được Lợi nhuận trước thuế:

Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác

(trừ) khoản Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nộp cho nhà nước, ta sẽ được Lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN

Đây là khoản lợi nhuận thuộc sở hữu của doanh nghiệp và cổ đông.

Để phân tích một bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trước hết phải phân loại doanh thu và chi phí, sau đó tính toán tỷ trọng so với tổng doanh thu và tổng chi phí, sự thay đổi nếu có phát sinh phải phản ánh kịp thời, ghi chú các mục có sự biến động lớn để theo dõi.

Lưu ý rằng báo cáo này không thể hiện dòng tiền thu chi trong kỳ, lợi nhuận trên báo cáo có thể bị thổi phồng hoặc che dấu do các nguyên tắc và quan điểm hạch toán kế toán. Cho nên chỉ dựa vào mỗi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và thấy rằng doanh nghiệp có lãi thì chưa có gì đảm bảo rằng doanh nghiệp có tiền để trả nợ khi đáo hạn hoặc dùng để tái sản xuất.

Vì vậy trong quá trình phân tích bạn phải kết hợp so sánh và đánh giá với cả bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

3.Đọc hiểu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đọc và phân tích kỹ vì: Thông qua nó bạn xác định được doanh nghiệp thực sự kiếm được bao nhiêu tiền và chi ra bao nhiêu trong khoảng thời gian cụ thể:

Thực tế doanh thu và lợi nhuận ghi trên báo cáo kết quả hoạt động sẽ được ghi nhận ngay khi nghiệp vụ phát sinh trong kỳ. Có những khoản tiền phải thu của khách hàng nhưng vẫn chưa thực sự nhận được tiền, nên rõ ràng dòng tiền không hề tăng. Lúc này bạn sẽ thấy có phát sinh doanh thu và lợi nhuận nhưng thực chất doanh nghiệp chưa có dòng tiền vào.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đã được trình bày thành 3 phần tương ứng với 3 dòng tiền: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư, và Dòng tiền từ hoạt động tài chính.

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước… Đây là lượng tiền mặt mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ.
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)

Vậy nên, bạn chỉ cần xem xét lần lượt từng dòng tiền là được.

4.Đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Đối với thuyết minh báo cáo tài chính, người đọc sẽ được diễn giải những thông tin dựa theo số liệu của bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Trong phần thuyết minh sẽ trình bày nội dung: Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong báo cáo, chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng, chính sách kế toán, bổ sung những thông tin trọng yếu khác,…

Để đọc hiểu thuyết minh báo cáo tài chính cần:

  • Phân tích phần doanh nghiệp: Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nào? Nếu sản xuất cần đầu tư nhà xưởng đồng nghĩa tài sản cố định lớn, nếu ngành bán lẻ thì hàng tồn kho cao, khoản phải thu ít. Doanh nghiệp hoạt động bao lâu rồi, đang trong giai đoạn đầu, giữa hay cuối chu trình phát triển? Chính sách kế toán, chuẩn mực áp dụng hiện tại là gì?
  • Nếu trong các bước phân tích phía trên có nêu ra khoản mục cần lưu ý thì trong phần này, bạn đọc sẽ thấy được lý do tại sao lại có những thay đổi đó. Những phát sinh tăng giảm trong kỳ của từng khoản mục được trình bày chi tiết, diễn giải bằng lời và công thức toán học để người đọc hiểu rõ.

You cannot copy content of this page