Định nghĩa về các loại lãi suất điều hành

Lãi suất tái cấp vốn

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:

– Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;

– Chiết khấu giấy tờ có giá;

– Các hình thức tái cấp vốn khác.

Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất ngân hàng nhà nước áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại

Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Lãi suất tái chiết khấu

Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, được áp dụng dưới hình thức tái chiết khấu.

Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải thích cụm từ cấp tín dụng, chiết khấu và tái chiết khấu như sau:

Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

Giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có sự khác biệt như sau:

– Về đối tượng áp dụng:

+ Lãi suất tái chiết khấu: Các giấy tờ có giá.

+ Lãi suất tái cấp vốn: Các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại.

– Về tài sản thế chấp:

Tài sản thế chấp đều là giấy tờ có giá, nhưng lãi suất tái chiết khấu áp dụng với các giấy tờ có giá có độ rủi ro thấp hơn như: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ,…

Còn lãi suất tái cấp vốn áp dụng đối với các giấy tờ có giá có độ rủi ro cao hơn trái phiếu Chính quyền địa phương.

Lãi suất cho vay qua đêm

Lãi suất liên ngân hàng hay lãi suất qua đêm (Interbank Offered Rate), là lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng với nhau khi thiếu tiền dự trữ (thiếu vốn). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mỗi ngân hàng thương mại cần duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc. Đây là tỷ lệ được quy định nhằm đảm bảo tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên trong ngày, lượng tiền mặt dự trữ của ngân hàng luôn biến động. Do các hoạt động diễn ra liên tục như: khách hàng gửi và rút tiền, giải ngân cho vay, thu hồi nợ… Vào cuối ngày, một số ngân hàng có thể thiếu hụt nguồn tiền dự trữ. Trong trường hợp cần gấp tiền để bù vào thì các ngân hàng sẽ vay mượn lẫn nhau. Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng chính là lãi suất liên ngân hàng.

Thông thường, lãi suất liên ngân hàng sẽ cao hơn so với lãi suất các khoản tiết kiệm mà ngân hàng huy động từ cá nhân. Lý do là bởi tiền vay liên ngân hàng được sử dụng rất gấp rút. Đôi khi chỉ là vay qua đêm hoặc trong một tuần, một tháng…

You cannot copy content of this page