Nội dung
Cập nhật tình hình kinh doanh Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội
Quý 1/2023, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận doanh thu thuần đạt 938 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.187 tỷ đồng, đều tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 17% lên gần 797 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 66 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính không đáng kể, đạt hơn 927 triệu đồng. Lợi nhuận của hoạt động tài chính đạt gần 65 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Quý 1/2023, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 86 tỷ đồng và 69 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của MIG đạt 8.705 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm mạnh 48% xuống còn gần 48 tỷ đồng, khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 2.162 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, khoản tài sản ngắn hạn khác giảm nhẹ 2% xuống còn 1.199 tỷ đồng.
Riêng với mảng đầu tư tài chính, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 8% lên 2.833 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ nửa năm đến 1 năm, đạt 1.797 tỷ đồng (chiếm 63%) và khoản ủy thác 899 tỷ đồng (chiếm 32%).
Đầu tư tài chính dài hạn tăng 7% lên 1.044 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 năm, đạt 724 tỷ đồng (chiếm 69%). Công ty còn có 137,5 tỷ đồng khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn và 150 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Đây là khoản đầu tư trái phiếu bất động sản của Phát Đạt và NovaLand.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của Bảo hiểm Quân đội đã tăng nhẹ từ 6.653 tỷ đồng lên 6.744 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ tăng 11 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng, doanh thu hoa hồng chưa được hưởng giảm 19 tỷ đồng còn 1.169 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng tới 32% lên 615 tỷ đồng…
Một lựa chọn tốt trong môi trường lãi suất cao
( Theo research VND)
Lợi thế cạnh tranh đặc biệt từ việc là thành viên của hệ sinh thái MBBank & Viettel sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp
MIG là công ty con của tập đoàn MBBank (ngân hàng lớn thứ 6 toàn quốc xét trên tổng tài sản) và gián tiếp là một thành viên trong hệ sinh thái Viettel (tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam).
Nhờ vậy, MIG có khả năng tiếp cận với tệp khách khách hàng khổng lồ và các kênh phân phối rộng lớn của MBBank/Viettel. Những mối quan hệ này đã mở ra cho MIG những cơ hội tăng trưởng và sinh lời lớn mà các DN BH khác sẽ khó có thể tiếp cận được.
Cùng với quan hệ hợp tác banca với nhiều ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng, MIG đã giành được thị phần đáng kể trong lĩnh vực BH Sức khỏe và Xe cơ giới trong 3 năm vừa qua. Mặt khác, thị phần của MIG ở các nghiệp vụ BH thương mại và công nghiệp không thay đổi nhiều ở mức ~5%, thấp hơn đáng kể so với top 3 nhưng cho thấy cơ hội gia tăng thị phần vẫn hiện hữu nếu MIG có thể cải thiện năng lực tái bảo hiểm và nguồn vốn của mình.
Tính trên tất cả các dòng sản phẩm, MIG đã tăng 2,9% thị phần trong giai đoạn 2020-2022, vươn lên vị trí thứ 5 với 7,7% thị phần phí BH gốc từ vị trí thứ 7 và hiện bám sát vị trí thứ 4 là Bảo Minh (8,0% thị phần).
Định giá không quá cao so với triển vọng tăng trưởng hấp dẫn
MIG đang giao dịch ở mức P/B hiện tại là 1,4 lần, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,6 lần. Với kỳ vọng tăng trưởng kép EPS trên 20% trong 3 năm tới và ROE tốt trong khoảng 11-12%, chúng tôi cho rằng mức định giá hiện tại của MIG vẫn hấp dẫn.
Chiến lược đầu tư linh hoạt là một điểm khác biệt tích cực của MIG
Trong khi nhiều DN BH khác lựa chọn đầu tư phần lớn danh mục vào tiền gửi ngân hàng vốn mang tính an toàn cao thì MIG áp dụng phương pháp đầu tư linh hoạt hơn. Bên cạnh tiền gửi ngân hàng, MIG đầu tư một phần lớn danh mục của mình vào TPDN và ủy thác đầu tư với MBCapital, và qua đó, DN đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau bao gồm cổ phiếu.
Chúng ta có thể thấy rõ ưu nhược điểm trong chiến lược đầu tư của MIG trong vòng 3 năm qua. Trong giai đoạn 2020-21, khi cả thị trường chứng khoán (TTCK) lẫn thị trường TPDN đều rất sôi động, MIG đã ghi nhận lợi suất đầu tư lên tới 7,6-7,7%, cao hơn hầu hết các DN cùng ngành. Tuy nhiên, khi TTCK lao dốc và thị trường TPDN bị thắt chặt bởi các cơ quan quản lý trong 2022, lợi suất đầu tư của MIG đã sụt giảm xuống chỉ còn 4,9%.ơ
Tính đến cuối 2022, 58% danh mục đầu tư của MIG nằm ở tiền gửi ngân hàng, thấp hơn so với hầu hết các DN niêm yết cùng ngành. 24% tương đương với 860 tỷ đồng được ủy thác đầu tư, trong đó chúng tôi cho rằng 1 phần không nhỏ được đầu tư vào cổ phiếu. 14% danh mục là TPDN và 4-5% còn lại là các khoản đầu tư vào công ty chưa niêm yết.
Năm 2023 sẽ là một năm thuận lợi đối với MIG ở khía cạnh đầu tư. Lãi suất tiền gửi cao hơn và thị trường chứng khoán hồi phục sẽ là 2 động lực chính. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận từ hoạt động tài chính của MIG sẽ tăng 81% svck trong năm nay, giúp lợi nhuận ròng tăng 52% svck và ROE cải thiện đáng kể lên 11,8% từ mức 8,6% trong 2022.
Cập nhật PTKT cổ phiếu MIG
MIG vừa thoát khỏi tích lũy trung hạn vùng 13,000 – 17,000. Tuy nhiên không có sự ủng hộ của khổi lượng.
Nếu muốn tham gia lướt sóng MIG trong giai đoạn hiện tại, có thể chờ giá kiểm tra lực cẩu quanh vùng 17,000đ/cp, nếu thành công vùng 20,000 sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Nếu dòng tiền không tham gia mạnh hơn, xác suất cao nhịp tăng này chỉ là một nhịp bull trap của MIG.
—————
Xem thêm: Báo cáo cập nhật cổ phiếu PNJ ngày 04/05/2023
Xem các bài viết mới cùng chủ đề tại: Nhận định cổ phiếu
Tuyên bố miễn trừ: Các nhận định trong bài viết được nêu dưới góc nhìn chủ quan của tác giả, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc. Nhadautu79 sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp nào đối với các thiệt hại khi sử dụng nội dung trong bài viết.