Tin nhắn từ một khách hàng quen thuộc vang lên: “Anh mới nạp thêm 1 tỷ, mai anh mua thêm cổ phiếu X, để xem nó giảm đến đâu.”
Đây không phải là lần đầu khách hàng này hành động như vậy với một cổ phiếu đã giảm hơn 10% trong danh mục. Hiểu rõ phong cách của khách, tôi đưa ra cảnh báo về những rủi ro có thể gặp trên thị trường và một vài nhận định kỹ thuật sơ lược. Dù vậy, tôi vẫn giữ lập trường trung lập, không ngăn cản cũng không khuyến khích ý định đầu tư của khách.
Khi đọc đến đây, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng tôi là một nhà tư vấn kém vì không ngăn cản quyết định bình quân giá xuống của khách hàng trong bối cảnh thị trường đầy rủi ro như hiện tại. Tôi không phủ nhận quan điểm này, bởi trong quá khứ, tôi từng hành động dựa trên cảm xúc của một người tư vấn mà tài sản tiết kiệm cả năm còn chưa bằng một nửa số tiền vị khách ấy chi cho con học trường quốc tế mỗi năm.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng khách hàng này thường thắng lớn với những quyết định bình quân giá có phần táo bạo của mình. Điều đáng nói là bình quân giá xuống thường được xem là một sai lầm trong giao dịch, và hiếm ai có thể chiến thắng thị trường với chiến lược này.
Tôi đã trải qua đủ thăng trầm trên thị trường để hiểu rằng mỗi quyết định giao dịch của mỗi cá nhân đều gắn liền với tính cách, tình hình tài chính và mức độ am hiểu của họ về thị trường. Hằng ngày, chúng ta lên các diễn đàn, đọc báo, xem các video nhận định từ nhiều chuyên gia, nhưng thực tế, chúng ta không thể hiểu được sâu sắc tính cách hay bối cảnh tài chính của họ. Nếu bạn chưa đủ kinh nghiệm để chắt lọc thông tin, rất dễ bị cuốn theo những quan điểm “chỉ đúng với người đưa ra chúng.
Hãy xem xét một vài ví dụ:
Các nhà quản lý quỹ tỷ đô luôn đưa ra nhận định lạc quan về thị trường, bởi họ khó có thể xoay chuyển tình thế với khối lượng tài sản khổng lồ mà họ quản lý. Điều họ cần là một thị trường tích cực để cải thiện hiệu suất quỹ.
Các giáo sư và chuyên gia tài chính thường tập trung vào các vấn đề vĩ mô, những câu chuyện từ nửa kia của thế giới, và hạn chế đưa ra các hành động cụ thể. Suy cho cùng, lý thuyết chính là thế mạnh của họ.
Các công ty chứng khoán lại muốn bạn giao dịch càng nhiều càng tốt, vì vậy nhận định của họ thường thiếu nhất quán và luôn đẩy mọi thứ lên đỉnh điểm để thu hút sự chú ý.
Và tất nhiên, người đang nắm giữ cổ phiếu luôn nói thị trường tốt, còn người chờ mua thì mong nó sẽ giảm thật sâu.
Với tất cả sự tôn trọng, tôi không phán xét đúng sai, cũng không nghĩ mình giỏi hơn bất kỳ ai trong số họ. Tôi chỉ quan tâm nhiều hơn đến bản chất của các bên tham gia thị trường, để tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin nhiễu loạn.
Trong những ngày cuối tháng 9, thị trường chứng khoán đã dần mất đi đà tăng mạnh như giai đoạn quý 2 và đầu quý 3. Sự phấn khích của nhà đầu tư trước loạt quyết định hạ lãi suất liên tiếp từ cơ quan quản lý không còn nữa. Thay vào đó, nỗi lo về tỷ giá, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, cùng với những hoài nghi về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6.5% trong năm nay đang dần chiếm ưu thế.
Từ góc nhìn vận động thị trường, nhịp tăng hơn 20% của VNINDEX từ đầu năm đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhiều nhà đầu tư, nên việc chốt lời là điều khó tránh khỏi. Đồng thời, dòng tiền mới khó có thể đổ vào thị trường mạnh mẽ khi nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm chạp, và khối ngoại tiếp tục bán ròng do áp lực tỷ giá ngày càng gia tăng. Khi thị trường không còn đồng thuận, việc duy trì đà tăng trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Dù tình hình có vẻ khó khăn, nhưng không phải mọi thứ đều tiêu cực. Việc lãi suất được giảm liên tục và lạm phát không tăng cao đã đủ tạo ra sự lạc quan cho nhà đầu tư về triển vọng tương lai. Các tác động tiêu cực từ tỷ giá có lẽ chỉ mang tính ngắn hạn và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Trong tài chính, có một câu nói quen thuộc: “Go big or go home.” Trong những thời điểm thế này, nhà đầu tư cần quyết đoán, chấp nhận rủi ro hoặc nên rời khỏi thị trường để tránh rủi ro hoàn toàn. Khi tâm lý lo sợ xuất hiện, chúng ta dễ bị thu hút bởi những câu chuyện tiêu cực: Một nhà quản lý bị đồn nghỉ việc, hàng nghìn tỷ đồng bị rút ròng, một mã chứng khoán bị cắt margin, hay một giám đốc nào đó bị bắt giữ—tất cả đều có thể khiến bạn dao động. Nếu không đủ tự tin, tốt nhất là đứng ngoài. Nhưng ngược lại, khi thị trường điều chỉnh, đó luôn là cơ hội tuyệt vời để “Go big.” Giống như vị khách hàng tôi đã đề cập, nếu cổ phiếu của anh ấy đảo chiều, khoản lợi nhuận thu về có thể bằng vài năm lương của một người lao động bình thường. Tuy nhiên, hãy luôn quản trị rủi ro, để dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn còn “ngôi nhà” để quay về!