Nội dung
Định nghĩa tỷ giá USD
Tỷ giá hối đoái (Exchange rate) hay tỷ giá trao đổi ngoại tệ là tỷ giá của một đồng tiền quốc gia này được quy đổi cho một đồng tiền của quốc gia khác. Hiểu một cách đơn giản, tỷ giá hối đoái của Việt Nam là tỷ lệ số lượng VNĐ so với 1 đơn vị tiền tệ của quốc gia khác.
Tỷ giá USD là tỷ lệ giá trị của đồng Việt Nam và đồng USD. Theo Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (1997), tỷ giá này hình thành từ cơ sở cung cầu ngoại tệ, dưới sự điều tiết của Nhà Nước và được xác định bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các yếu tố tác động đến tỷ giá
Mức lạm phát
Khi mức lạm phát của quốc gia nào đó lớn hơn quốc gia khác, sức mua của đồng nội tệ sẽ suy yếu so với đồng ngoại tệ.
Theo thời gian, đồng nội tệ ngày càng mất giá sẽ khiến tỷ giá tăng.
Lãi suất trong nền kinh tế
Khi lãi suất trong nước cao hơn, điều này khiến đồng nội tệ mạnh hơn, dẫn đến tỷ giá giảm và ngược lại vì một lý do nào đó lãi suất trong nước buộc phải giảm để hỗ trợ nền kinh tế trong khi đồng USD tăng giá điều này sẽ khiến tỷ giá tăng cao.
Cán cân thanh toán quốc tế
Khi một quốc gia xuất siêu, điều này giúp thu ngoại tệ dồi dào, nguồn cung ngoại tệ tăng sẽ làm giảm áp lực tỷ giá. Ngược lại, khi phải chi quá nhiều ngoại tệ (ở đây là USD) để nhập hàng hóa và mua dịch vụ hơn so với lượng ngoại tệ thu được từ các hoạt động mang lại thu nhập, điều này sẽ khiến tỷ giá có xu hướng tăng.
Chính sách của các ngân hàng trung ương
Nhà nước có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tỷ giá bằng nhiều cách, ví dụ:
- Tăng hoặc giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
- Mua hoặc bán USD ra thị trường.
- Tăng hoặc giảm lãi suất.
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Federal Reserve) có tác động đáng kể đến tỷ giá USD. Quyết định về lãi suất và chương trình mua lại tài sản có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng USD qua đó trực tiếp tác động đến tỷ giá.
Chính trị và sự ổn định kinh tế
Sự bất ổn chính trị và kinh tế của Mỹ hoặc VIệt Nam có thể khiến tỷ giá USD biến động. Ở những nước có xung đột, khủng bố, thiên tai v..v.. đều có thể khiến đồng tiền mất giá gây tác động đến tỷ giá.
Tâm lý và Kỳ vọng
Trên thị trường ngoại hối, tâm lý đám đông và tình trạng đầu cơ có thể tác động đến tỷ giá. Người dân hoặc kể cả các định chế tài chính có thể tăng mua vào tích trữ USD khi họ dụ đoán tỷ giá có thể tiếp tục tăng, điều này trực tiếp khiến cung USD thiếu hụt qua đó càng làm cho vấn đề tỷ giá tăng mạnh.
Vậy tỷ giá tăng cao có tác động như thế nào đến cổ phiếu?
Tỷ giá tăng quá cao có thể khiến vốn ngoại “quay xe”. Nhà đầu tư nước ngoài không muốn khoản đầu tư của mình chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tỷ giá tăng. Nên họ thường có xu hướng hạn chế mua vào hoặc bán ra cổ phiếu mỗi khi tỷ giá tăng mạnh.
Tỷ giá tăng cao tiềm ẩn rủi ro lạm phát. Những hàng hóa nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài có thể chịu áp lực tăng giá khi tỷ giá tăng điều, điều này khiến lạm phát có thể tăng mạnh trong tương lai. Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với lạm phát và ngay khi có những thông tin tiêu cực về lạm phát, nhà đầu tư có thể sẽ bán ra cổ phiếu.
Ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu hàng hóa, sẽ chịu những tác động tiêu cực khi tỷ giá tăng cao. Ở chiều ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi.
Tóm lại, biến động tỷ giá luôn tác động mạnh đến nền kinh tế nọi chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Và nhiệm vụ ổn định tỷ giá luôn được cho là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngân hàng nhà nước. Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, theo dõi những biến động tỷ giá luôn được những nhà đầu tư chuyên nghiệp ưu tiên.