Giải mã đà tăng của tỷ giá
Phiên giao dịch 29/2, tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank là 24.420 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.790, giảm 10 VND so với phiên giao dịch ngày trước đó. Trong khi trên thị trường tự do (Hà Nội), đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 25.332 – 25.402 VND/USD, giảm 14 VND/USD ở chiều mua vào và tăng 35 VND/USD ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày 28/2.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá USD tháng 2/2024 đã tăng 0,4% so với tháng 1/2024 và tăng 0,92% so với tháng 12/2023 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến tỷ giá có phần khác biệt so với quy luật các năm trước, bởi quý I thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Thực tế, ngay từ tháng 1, thị trường ngoại hối đã phát “tín hiệu”, khi tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng là chủ đạo, có thời điểm lên quanh mức 24.600, trước khi hạ nhiệt về vùng 24.400. Giá USD ở thời điểm cuối tháng 1 cao hơn khoảng 150 đồng/USD, tương đương mức tăng 0,7% so với cuối tháng 12/2023.
Đà tăng của tỷ giá USD/VND được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố:
Trên thị trường quốc tế, đồng USD có xu hướng tăng trở lại khi chỉ số DXY tăng 2%, lên vùng 103 – 103,5 điểm.
Theo lãnh đạo cao cấp BIDV, giai đoạn cuối năm 2023, giới đầu tư toàn cầu có phần kỳ vọng hơi thái quá vào khả năng hạ lãi suất sớm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), theo đó, DXY hạ nhiệt. Song với một số thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ, cũng như các phát biểu của Chủ tịch Fed trong phiên họp tháng 1 phát đi tín hiệu cơ quan này chưa hạ lãi suất vào tháng 3 tới, kỳ vọng của thị trường vào chính sách của Fed đã được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, kéo theo đà tăng trở lại của đồng USD. Hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều có xu hướng giảm so với USD như JPY giảm 4,1%, KRW giảm 3,0%, THB giảm 3,4%, CNY giảm 1,1%.
Ở trong nước, cung cầu ngoại tệ cũng diễn biến kém thuận lợi so với kỳ vọng. Mặc dù cán cân thương mại tháng 1 vẫn đạt thặng dư trên tổng thể vào khoảng 1 tỷ USD, song đây không phải là mức quá dồi dào, nếu so với cùng kỳ các năm trước (thường thặng dư khoảng 3 – 4 tỷ USD). Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND – USD tiếp tục duy trì ở mức âm (kỳ hạn 1 tuần bình quân quanh mức âm 5%/năm) là yếu tố khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn, kéo theo nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn để bảo hiểm rủi ro. Ở chiều ngược lại, các cấu phần ngoại tệ cơ bản như thặng dư thương mại, giải ngân FDI, kiều hối vẫn tương đối dồi dào là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá thu hẹp đà tăng về cuối tháng.
“Tỷ giá tăng cũng có yếu tố tích cực”
Các chuyên gia phân tích nhận định, chênh lệch lãi suất USD – VND kéo dài và xu hướng chính sách tiền tệ của Fed sẽ khiến đồng bạc xanh vẫn hấp dẫn trong nửa đầu năm 2024. Quả vậy, tháng 2 vừa qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giằng co khi chịu áp lực tăng nhiều hơn trong giai đoạn sau Tết. Các yếu tố tác động cụ thể bao gồm:
Trên thị trường quốc tế, tâm điểm vẫn dồn vào các dữ liệu việc làm và lạm phát của Mỹ để đánh giá lộ trình giảm lãi suất của Fed trong năm 2024. Bảng lương phi nông nghiệp vừa được công bố cho thấy số liệu việc làm tại Mỹ vẫn rất tích cực trong tháng 1 (353.000 việc làm mới so với mức kỳ vọng là 187.000), khiến cho khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 3 hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 20%.
Vị lãnh đạo cao cấp BIDV đánh giá, Fed vẫn cần thêm thời gian để cân nhắc thời điểm cắt giảm lãi suất, đặt trong bối cảnh rủi ro về lạm phát vẫn còn nhiều yếu tố bất định, như lạm phát nhà ở vẫn cao và thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư tổ chức vẫn hạn chế gia tăng vị thế đối với USD do sự thận trọng trước khả năng Fed hạ lãi suất trong giai đoạn tới có thể là yếu tố khiến đồng USD khó tăng mạnh. Về mặt kỹ thuật, chỉ số DXY hiện đang vượt MA200 và có thể duy trì xu hướng tăng. Theo đó, DXY đã tiếp tục đà tăng hướng đến vùng 104 điểm trong tháng 2.
Ở trong nước, tỷ giá chịu áp lực trở lại sau Tết do cung – cầu ngoại tệ kém thuận lợi hơn cũng như chênh lệch lãi suất VND – USD trở lại mức âm sâu. Dữ liệu lịch sử cho thấy các cấu phần cơ bản như cán cân thương mại, giải ngân FDI trong tháng Tết thường không quá dồi dào, trong khi nhu cầu mua kỳ hạn phòng vệ rủi ro hiện nay vẫn tương đối lớn do tâm lý thận trọng trước rủi ro quốc tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, trong tháng 2/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Xuất khẩu phục hồi nên nhập khẩu tăng. Ở một khía cạnh khác, yếu tố tích cực khi tỷ giá tăng đó là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu đã tăng trở lại”.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, DXY tính đến cuối tháng 2 đã tăng lên 104 điểm, nghĩa là tăng gần 1% trong khi biến động của tỷ giá VND chỉ khoảng 600 – 800 VND, chưa đến 0,5%.
“Không loại trừ khả năng lãi suất thấp khiến người dân chuyển sang mua vàng và ngoại tệ”, TS. Nghĩa nói thêm.
Trong diễn biến có liên quan, một chuyên gia phân tích cho biết, thị trường có chia sẻ thông tin về sự đột biến cầu ngoại tệ có thể do việc thanh toán bảo dưỡng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Được biết, ngày 21/2/2024, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương chủ trì buổi họp rà soát công tác chuẩn bị đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất lần 5 bắt đầu dừng máy thực hiện từ ngày 15/3 – 1/5/2024, tổng thời gian dự kiến thực hiện là 48 ngày.
Khối lượng công việc bảo dưỡng tổng thể lần 5 được cho là lớn hơn nhiều so với các đợt bảo dưỡng tổng thể trước đây. Hiện tại, công tác lập kế hoạch và chuẩn bị cho bảo dưỡng tổng thể lần 5 cơ bản đã hoàn thành.
Nhà điều hành sẽ có động thái gì?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu tỷ giá có xu hướng tăng tiếp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bán ra một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc bán ngoại tệ này cũng cần phải cân trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế.
Vì vậy, để có nguồn thu ngoại tệ dồi dào, Chính phủ và các bộ ngành cần cần tiếp tục những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó giảm áp cho tỷ giá.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Mirea Asset đưa ra số liệu khả quan về nguồn ngoại hối từ thặng dư thương mại (2023: 28,3 tỷ USD; ước tính 2 tháng đầu năm 2024: 4,72 tỷ USD), giải ngân FDI (2023: 36,6 tỷ USD; 2 tháng đầu năm 2024: 2,8 tỷ USD) và kiều hối (2023: 16 tỷ USD)
Ông Hiếu cũng cho biết hiện nay hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng. “Vì vậy, NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ này”, ông đề xuất.
Còn theo SSI Research, các hành động của NHNN nhằm ổn định tỷ giá có thể được tính đến, trước mắt có thể là việc phát hành trở lại tín phiếu. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ tăng dần từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và việc bán dự trữ ngoại hối cũng có thể xem xét.
(nguồn tổng hợp)