Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Nội dung
“Có người hôm nay được ngồi dưới bóng mát là nhờ có người đã trồng cây từ rất lâu.”
Nếu không nhờ vào công sức khó nhọc mà Benjamin Graham, người đỡ đầu cho Warren, đã triển khai khái niệm đầu tư giá trị, Warren có lẽ đã không thoát được ra khỏi quầy tính tiền tại tiệm tạp hóa của ông nội. Bởi vì mọi việc thật đơn giản nếu bạn được đứng trên đôi vai của một người khổng lồ – vấn đề là phải tìm ra đúng người khổng lồ để đứng. Trong trường hợp của Warren, ông chọn Graham, người được gọi là Trưởng khoa của trường Wall Street. Graham triển khai khái niệm đầu tư giá trị và giảng dạy về nó trong một khóa học tại đại học Columbia, New York. Warren tham dự khóa học này, và theo lời thuật lại của anh bạn cùng lớp Bill Ruane, “Những tia lửa điện nảy nở khi hai người gặp nhau.” Sau khóa học ở Columbia, Warren đến làm việc cho công ty đầu tư của Graham tại Wall Street, và kết thúc câu chuyện này là những gì kết tinh nên các huyền thoại tài chính.
“Nếu có đủ thông tin tay trong và một triệu đôla, bạn có thể trắng tay trong vòng một năm.”
Hãy tỉnh táo đi, lúc bạn có được thông tin tay trong, thì tất cả những người khác cũng đã biết rồi và đã đưa ra các quyết định giao dịch dựa trên thông tin này. Ngoài ra, giao dịch dựa trên thông tin tay trong là vi phạm pháp luật. Warren thường nói vui rằng một trong những ưu điểm khi sống ở Omaha là không có ai ở gần để rủ rỉ vào tai bạn những thông tin tay trong khi ngồi ăn trưa. Thông thường, kẻ gian khởi đầu những lời đồn để họ đẩy giá cổ phiếu lên cao và đổ chúng vào túi những nhà đầu tư khờ khạo. Nhà đầu tư Bernard Baruch vĩ đại nổi tiếng trong những năm 1920 vì ông luôn bán ngay lập tức cổ phiếu nếu có ai đó chia sẻ với ông thông tin tay trong nóng hổi. Baruch là một người cực kỳ giàu khi ông mất.
“ Đọc sách của Ben Graham và Phil Fisher, đọc các báo cáo hàng năm, nhưng đừng làm toán bằng các con số Hy Lạp.”
Ben Graham dạy bạn rằng chỉ nên mua cổ phiếu khi nó được bán thấp hơn mức giá tương ứng với giá trị trong dài hạn. Mức giá thấp này mang đến cho bạn một mức an toàn nếu gặp thảm họa. Phil Fisher cho rằng bạn cần phải mua cổ phiếu của một công ty có chất lượng cao, và giữ chúng trong một khoảng thời gian dài, thật dài và để cho thu nhập giữ lại có đủ thời gian nhân lên. Warren nghe theo lời của Ben “mua với giá thấp để có mức an toàn” và kết hợp nó với lời của Phil “mua cổ phiếu của những công ty có chất lượng cao và giữ thật lâu” thành một phương châm của mình “mua cổ phiếu của những công ty có chất lượng cao với giá thấp hơn tương quan giá trị và giữ chúng trong thời gian dài.” Đây là một phương trình có kết quả cao hơn tổng của những thành tố trong đó. Warren cuối cùng kiếm ra được rất nhiều tiền so với cả Ben hay Phil là những bậc thầy về đầu tư trong thời đại của họ. Còn đối với những phương trình chỉ toàn những chữ số Hy Lạp, chúng chỉ dành cho những nhà đầu tư Wall Street chưa bao giờ đọc về Ben và Phil.
“Tôi là nhà đầu tư giỏi vì tôi là người kinh doanh, và tôi là người kinh doanh giỏi vì tôi cũng là nhà đầu tư.”
Một người kinh doanh giỏi biết phân biệt rõ ràng giữa một công ty tốt và một công ty tồi – và một nhà đầu tư giỏi biết rõ khi nào một công ty được bán với giá rẻ hay bị định giá quá cao. Vì vậy để đầu tư giỏi bạn cần phải là một người kinh doanh, hiểu rõ thế nào là một công ty tốt hay xấu; và khi bạn chuẩn bị mua lại một công ty, bạn phải là một nhà đầu tư thông minh, hiểu rõ liệu mức giá chào bán là thấp hay cao. Kết hợp được cả hai và bạn có thể kiếm tiền tỉ. Đơn giản vậy thôi, nhưng cũng cực kỳ khó khăn.
Khi mới bắt đầu lập nghiệp Warren chỉ quan tâm đến tình hình tài chính của công ty, ông không thật sự để ý đến các sản phẩm do công ty sản xuất. Người đỡ đầu Graham của ông tin rằng con số đã phản ánh tất cả những gì cần biết; ông ấy không tách biệt những công ty thuộc dạng hàng tiêu chuẩn như dệt may, thường có cơ cấu kinh tế dài hạn yếu kém, với những công ty hàng tiêu dùng độc quyền như Coke, có cơ cấu kinh tế dài hạn vững vàng. Nhưng khi Warren bắt đầu tham gia và phải vất vả điều hành một công ty hàng tiêu chuẩn, ông sớm nhận thấy rằng chỉ có những công ty hàng tiêu dùng đặc quyền mới có lợi thế cạnh tranh và mang lại hiệu quả siêu đẳng. Graham sẵn sàng mua bất cứ cổ phiếu nào miễn là nó được bán với giá rẻ. Warren chỉ mua cổ phiếu của công ty hàng tiêu dùng độc quyền có lợi thế cạnh tranh, và ông cũng không cần phải đợi đến khi có được giá hời. Một mức giá hợp lý là cũng đủ rồi, và chỉ cần ông nắm giữ chúng đủ lâu thì ông cũng có thể thành tỉ phú .
“Khi các nguyên tắc đã có tuổi, chúng không còn được xem là nguyên tắc nữa.”
Warren thức dậy một buổi sớm mai và nhận thấy rằng những nguyên tắc đầu tư mà ông học được từ người thầy Graham giờ đây không còn phù hợp nữa. Graham ủng hộ việc mua cổ phiếu giá rẻ của các công ty bất kể cơ cấu kinh tế của nó. Chiến lược này rất hiệu quả trong thập niên 40 và 50, nhưng không còn tác dụng nữa khi một nhóm lớn các nhà đầu tư cùng thực hiện chiến lược này – ngày càng khó khăn để tìm ra những quả trứng vàng. Thay vì đi theo con đường mòn này, Warren nhảy khỏi đoàn tàu và đưa ra một triết lý đầu tư vào những công ty siêu hạng có lợi thế cạnh tranh bền vững, miễn là cổ phiếu của họ được bán với giá hợp lý – sau đó ông chỉ việc nương vào mức nước dâng theo thời gian và doanh thu để đẩy giá cổ phiếu lên cao. Triết lý này đã đƣa ông từ một ngƣời giàu chuyển sang siêu giàu.
Một ví dụ tuyệt vời cho triết lý này là khi ông đầu tư vào Coca-Cola, ông đã trả tương đương hai mươi lần lợi nhuận của một cổ phiếu. Một Warren thời kỳ cũ đã chẳng bỏ tiền ra như thế này vì kỹ thuật định giá của Graham cho thấy cái giá này quá cao. Nhưng một Warren thời kỳ mới thì thấy rằng đây là một mức giá hết sức hợp lý sẽ mang lại cho ông tiền tỉ. Đôi khi nếu một chú báo mà thay đổi được màu da thì cũng hay đấy chứ.
Còn nữa …
(nguồn tổng hợp)