Giữ vững niềm tin trong những ngày đen tối nhất của thị trường

Gần đây, có một thông tin thú vị đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư toàn thế giới: “Tổng thống Trump được cho là đang cân nhắc việc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell “. Dĩ nhiên, hệ thống pháp lý Mỹ được thiết kế để bảo vệ tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang, tránh tối đa sự can thiệp từ chính trị. Nhưng hãy hình dung: nếu bạn đang ở một vị trí điều hành tối quan trọng, và người đứng đầu quốc gia liên tục công kích, thậm chí đe dọa sa thải bạn, liệu bạn có thể đưa ra quyết định một cách hoàn toàn khách quan? Thực tế,không chỉ chịu áp lực từ tổng thống, chủ tịch Fed còn chịu sức ép từ những nhà đầu tư phố Wall, những người đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt bằng lãi suất cao.

Dù vậy, Fed dường như vẫn đang chọn con đường khó: giữ nguyên lập trường, không chiều theo kỳ vọng chính trị hay thị trường tài chính. Họ tiếp tục đặt ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, dù điều đó đồng nghĩa với việc đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng lớn. Đây là phép thử lớn đối với khả năng đứng vững trước sức ép của một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất thế giới.

Trong đầu tư, không có gì tạo áp lực lớn hơn là những cú sập không thể đoán trước.
Sự kiện “thiên nga đen” vừa qua là ví dụ điển hình: VN-Index giảm mạnh liên tiếp 4 phiên, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn liên tục , tức giảm gần 30% chỉ trong vài ngày, dù nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy. Nếu trong vòng một tuần, bạn mất 1/3 giá trị tài sản mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy “điều khủng khiếp này khi nào sẽ dừng lại”, phần lớn chúng ta (dù bản lĩnh đến đâu) cũng khó giữ được sự tỉnh táo.

Sự thật là, nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng đã buộc phải bán cổ phiếu đúng vào thời điểm thị trường chuẩn bị phục hồi. Không phải vì họ không có kiến thức, mà vì sức ép tâm lý khi tài khoản bốc hơi mỗi ngày là quá lớn.

Trong giao dịch, không ai miễn nhiễm với cảm xúc. Điều khác biệt chỉ là: ai học được cách sống sót sau những đợt sóng dữ.

Tôi đã may mắn vượt qua được áp lực khổng lồ trong đợt giảm vừa rồi, và thậm chí kịp mua một ít cổ phiếu ngay trước khi thị trường hồi phục. Tôi dùng từ “may mắn” một cách nghiêm túc, bởi trong những thời điểm như vậy, thành công hay thất bại đôi khi chỉ cách nhau một khoảnh khắc và một phần không nhỏ đến từ yếu tố may rủi.

Nhưng điều tôi muốn chia sẻ không phải là chuyện tôi mua được đáy. Mà là một vài bài học cá nhân về cách đối diện với khủng hoảng, sau khi đi qua tâm bão:

1. Kiên định – nhưng không mù quáng

Kiên định không có nghĩa là gồng lỗ bằng mọi giá. Nó là sự tin tưởng có cơ sở vào cổ phiếu mình đang nắm giữ. Nếu bạn đã đánh giá rất kỹ lưỡng mọi yếu tố (từ nội tại doanh nghiệp đến triển vọng dài hạn) và nhận ra cổ phiếu đó không xứng đáng bị bán tháo vô tội vạ, thì hãy giữ vững lập trường. Đừng để thị trường hoảng loạn khiến bạn đánh mất lý trí.

2. Giữ tầm nhìn dài hạn – nhưng phải tỉnh táo

Trong khủng hoảng, tin xấu sẽ bủa vây từ mọi phía. Việc bạn đọc thêm hàng chục bài phân tích tiêu cực sẽ không giúp bạn làm gì khác ngoài việc tăng nỗi sợ. Hãy biết điểm dừng. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm kiếm những góc nhìn lạc quan, không phải để ảo tưởng, mà để giữ cho tâm lý cân bằng, nhìn về tương lai một cách tỉnh táo.

3. Đừng để mình bị ra quyết định thay bởi người khác

Điều khó nhất trong khủng hoảng không phải là sợ, mà là bị dẫn dắt bởi nỗi sợ của người khác. Một người đang cầm tiền sẽ luôn giục bạn mua. Một người đang lỗ nặng sẽ chỉ muốn bạn cùng bán cho đỡ “đơn độc”. Nhưng họ không sống với danh mục của bạn. Hãy lắng nghe, nhưng tuyệt đối không ra quyết định vì áp lực từ ai đó.

Sự sợ hãi là thật , tôi cũng đã sợ. Nhưng điều quan trọng là phải giữ được độc lập trong suy nghĩ và hành động. Như cách mà Fed đang giữ sự điềm tĩnh trước áp lực của dư luận.  Khủng hoảng nào rồi cũng qua. Vấn đề là bạn sẽ bước ra khỏi nó như một nhà đầu tư trưởng thành, hay chỉ đơn giản là một người đã mất niềm tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page