Nội dung
“Nếu bạn thông minh như vậy, tại sao bạn không giàu có?”
Đây từ lâu đã là một lời đáp trả đến các học giả, đặc biệt là các nhà kinh tế học. Đây là một câu hỏi hay và ngày nay nó còn được dùng cho các doanh nhân. Thực sự, mối liên hệ giữa thu nhập kiếm được và chỉ số IQ (vốn được thừa nhận là một thước đo trí thông minh) đơn giản là không mạnh đến thế.
Bằng chứng nổi bật Một nghiên cứu về CEO của các công ty lớn của Thụy Điển cho thấy trung bình họ xếp hạng ở phân vị thứ 83 của chỉ số IQ đo được (tức là chỉ 17% người làm bài IQ có điểm số cao hơn) – đối với CEO của các công ty nhỏ hơn, thứ hạng của họ ở phân vị thứ 66. Dù là trên mức trung bình nhưng tất cả họ hầu như không ai nằm ở top đầu. Do đó chắc chắn nhiều CEO đã đạt được vị trí của mình nhờ làm việc chăm chỉ, uy tín, kỹ năng con người và các khả năng khác …kể cả may mắn.
Trong một nghiên cứu rộng hơn, mối liên hệ giữa IQ và thu nhập cũng tích cực nhưng không đáng kể. Một nghiên cứu đã kết luận rằng việc chuyển từ phân vị thứ 25 lên phân vị thứ 75 tương quan với mức tăng thu nhập từ 10% đến 16%. Bạn có thể cho rằng điều này là đáng kể, nhưng nó không đủ để giúp bạn tiến vào một tầng lớp kinh tế xã hội cao hơn.
Bạn có thể nghĩ rằng chỉ số IQ là đại diện kém cho một khái niệm chung chung hơn về “sự thông minh”. Nhưng IQ là thước đo trí thông minh tinh tế nhất và được sử dụng phổ biến nhất, đồng thời nó có tương quan với các thước đo trí thông minh khả thi khác, chẳng hạn như điểm kiểm tra tiêu chuẩn hóa.
Một nghiên cứu gần đây
Cũng dựa trên dữ liệu của Thụy Điển, cho thấy hai kết quả có ý nghĩa. Đầu tiên, phần lớn mối tương quan giữa thu nhập và trí thông minh yếu đi đáng kể và ổn định trên mức lương 60.000 euro một năm. Thứ hai, có lẽ đáng ngạc nhiên hơn, những người nằm trong top 1% những người có thu nhập cao nhất lại có chỉ số IQ thấp hơn những người có thu nhập ngay bên dưới họ.
Tại sao lại như vậy, thật khó để nói. Nhưng có một khả năng là những người thông minh nhất thích một cuộc sống cân bằng hơn là lúc nào cũng làm việc. Hoặc có lẽ họ thích những công việc có địa vị cao hơn và được trả lương thấp hơn một chút. Tiền không phải là thứ duy nhất bạn có thể tận hưởng.
Một bài học từ những nghiên cứu này rất rõ ràng: Nếu bạn đang tìm cách thuê những người giỏi nhất, đừng ám ảnh về sự thông minh của họ. Đây là một sai lầm thường xuyên mắc phải, hầu hết là bởi những người thông minh đang tìm kiếm những người giống mình.
Và bài học lớn nhất là điều thực sự quan trọng là khả năng tổng hợp các kỹ năng của một người, chứ không phải sự xuất sắc trong một kỹ năng đơn lẻ
Hãy xem xét một vận động viên hàng đầu như LeBron James. Anh ấy chưa bao giờ là người nhanh nhất NBA, cũng không phải là tay săn bàn, hậu vệ hay có khả năng phản công giỏi nhất. Nhưng anh ấy có một trí thông minh tổng hợp cực cao đã khiến anh ấy có thể trở thành cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử giải đấu và không phải ngẫu nhiên mà trở thành một thủ lĩnh nhóm tuyệt vời.
Tất nhiên, LeBron James là ngoại lệ. Nhưng bạn có thể học hỏi từ ví dụ của anh ấy. Khi nghĩ về tương lai của chính mình đừng quá lo lắng, không quá buồn cũng không quá tự mãn về những điểm SAT. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm ra cách để tất cả tài năng của bạn hoạt động song song.
Theo Washingtonpost.com