Nội dung
Cập nhật tình hình kinh doanh Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB)
Theo báo cáo tài chính của TCB, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 40,900 tỷ đồng trong năm qua, tăng 10,3% so với năm 2021 với thu nhập từ lãi và dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) đều tăng trưởng mạnh.
Thu nhập từ lãi đạt 30,100 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) được quản lý ở mức 5,1%.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,700 tỷ , trong đó riêng thu phí từ dịch vụ thẻ đạt hơn 1,980 tỷ, thu từ dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 1,750 tỷ; thu từ thư tín dụng đạt hơn 2,016 tỷ.
Chi phí hoạt động của Techcombank tăng 19,9% so với cùng kỳ, đạt 13,400 tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 32,8%. Ngân hàng lý giải, chi phí đầu tư trực tiếp liên quan công nghê, bao gồm chi phí cho cả ba khối Số hóa, Dữ liệu và Nhân tăng 140,0% so với cùng kỳ. Chi phí này chưa bao gồm các chi phí bảo trì và khấu hao của những dự án IT đã được triển khai.
Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1,900 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ việc hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2020-21.
Nhờ kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của TCB tăng trưởng 10%, đạt 25,600 tỷ đồng.
Thông tin cập nhật
Ngày 22/3/2023, tổ chức Moody’s đã cập nhật xếp hạng của Techcombank là Ba3, trong bối cảnh đầy thách thức của thị trường Việt Nam.
Xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank được Moody’s cập nhật từ Ba2 sang Ba3, do những biến động gần đây trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Báo cáo xếp hạng này ghi nhận Techcombank vẫn thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu trong nước về chất lượng tài sản tín dụng.
Đại diện Techcombank cho hay: “Moody’s đã phản ánh những thách thức và biến động của thị trường vào xếp hạng mới. Chúng tôi tin rằng các thế mạnh cơ bản của Techcombank sẽ cho phép Ngân hàng tiếp tục vượt trội so với các tiêu chuẩn ngành trong trung hạn, đặc biệt là về sức mạnh của cơ sở vốn, vị thế thanh khoản và phí ròng, tỷ lệ thu nhập (NFI) trên tổng thu nhập hoạt động (TOI)”.
Còn nhiều thách thức trong ngắn hạn
(Theo VCBS)
“CASA tiếp tục giảm và áp lực tăng chi phí vốn
Với xu hướng lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối Q3.2022, ảnh hưởng đến chi phí vốn sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong hai quý đầu năm 2023. Với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay đồng thời tạo áp lực giảm lên số dư CASA, càng tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần NIM, ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của TCB.
Liên quan đến Trái phiếu doanh nghiệp
Đối với danh mục TPDN đang nắm giữ: TCB đang nắm giữ 41.015 tỷ đồng TPDN, chiếm 9% tổng
danh mục tín dụng, trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
Ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng.
Đối với nguồn thu từ phí tư vấn trái phiếu:
Nguồn thu từ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu của TCB trong năm 2022 giảm mạnh do các sự chậm lại của thị trường trái phiếu với nhiều sự kiện vĩ mô bất lợi trong năm.
Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và sẽ cần thêm thời gian để hồi phục trở lại. Vì vậy, chúng tôi đánh giá việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ các hoạt động trái phiếu của TCB trong ngắn hạn.
Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ở phân khúc bán lẻ
Cơ cấu tín dụng của TCB có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc cho vay cá nhân và SME trong khi giảm tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay SME tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng và chiếm 15%.
Trong khi tổng dư nợ tín dụng cho KHDN lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.
Tiếp tục duy trì chỉ số CIR thấp hơn trung bình ngành nhờ đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng số
Ngân hàng tiếp tục thu hút được số lượng lớn khách hàng mới qua kênh online nhờ vào đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số. Techcombank kết thúc năm 2022 với 10,8 triệu khách hàng, thu hút thêm 373.000 khách hàng mới trong quý 4 và 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2022.
Số lượng khách hàng cá nhân mới qua kênh online chiếm 57%, tăng 40% so với năm 2021. Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giúp ngân hàng duy trì được chỉ số CIR thấp hơn trung bình ngành, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.”
Cập nhật PTKT cổ phiếu TCB
Từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu TCB chủ yếu đi ngang tích lũy quanh vùng giá 25,700 – 29,500đ/cp. Hiện giá đang tiệm cận biên trên kênh tích lũy.
Cổ đông TCB có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở vùng giá hiện tại (quanh 26,000đ/cp) với kỳ vọng giá sẽ di chuyển lên vùng 29,500.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, cần chờ đợi giá cổ phiếu TCB thoát khỏi vùng tích lũy để có tín hiệu rõ ràng hơn.
———————————–
Xem thêm: Báo cáo cập nhật cổ phiếu FPT ngày 22/03/2023
Xem các bài viết mới cùng chủ đề tại: Nhận định cổ phiếu
Tuyên bố miễn trừ: Các nhận định trong bài viết được nêu dưới góc nhìn chủ quan của tác giả, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc. Nhadautu79 sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp nào đối với các thiệt hại khi sử dụng nội dung trong bài viết.