Cập nhật cổ phiếu GMD T6/2023: Chờ đợi phục hồi

Cập nhật tình hình kinh doanh Công ty cổ phần Gemadept

Chỉ số cơ bản của GMD ngày 28/06/2023
GMD (nguồn Vietstock)

BCTC hợp nhất quý I của GMD ghi nhận doanh thu thuần 902 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 47%, cải thiện so với con số 40% của quý I/2022.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 5 lần lên 21 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 25%, 37%, còn chi phí bán hàng giảm 23%.

Ngoài ra, khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết của Gemadept giảm 83% xuống 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 126 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng của công ty giảm 26% svck xuống 202 tỷ đồng. 

Biểu đồ lãi ròng của GMD
Lãi ròng của GMD (nguồn Vietnambiz)

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của Gemadept đạt 13.266 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.089 tỷ đồng.

Cuối quý I, công ty đã trích lập dự phòng chứng khoán gần 27 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 46 tỷ đồng Cụ thể, Gemadept đầu tư 31 tỷ đồng mua cổ phiếu của CTCP Thép Thủ Đức, trích lập dự phòng 13 tỷ đồng; 14 tỷ đồng mua cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Mangan dự phòng 14 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, Gemadept đầu tư 3.036 tỷ đồng vào 8 công ty liên doanh, liên kết. Trong số đó, phần góp vốn vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (chủ đầu tư của Cảng Gemalink – cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải) có giá trị lớn nhất với số tiền 1.477 tỷ đồngTại ngày 31/3, cảng Gemalink đã đem về cho Gemadept hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, CTCP Dịch vụ Hàng Hóa Sài Gòn mới là đơn vị đem về cho Gemadept lợi nhuận lớn nhất với 279 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH CJ Gemadepts Logistics Holdings khi mang về số tiền lãi 201 tỷ đồng.
thuyết minh báo cáo tài chính
Nguồn BCTC

Cuối quý I, tổng nợ vay của công ty là 1.921 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nguồn vốn. Ba tháng đầu năm, tổng chi phí lãi vay của Gemadept hơn 36 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Gemadept là 8.199 tỷ đồng với 1.576 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3.

Kế hoạch kinh doanh 2023

Công ty đặt kế hoạch LNTT đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (-13% svck), ban lãnh đạo cho rằng công ty có khả năng đạt kết quả cao hơn so với mức giả định cơ sở này. Kế hoạch này chưa bao gồm khoản lãi bất thường từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến ghi nhận vào BCTC Q2/2023.

Công ty giữ nguyên kế hoạch tập trung vốn cho 2 dự án cảng: Nam Đình Vũ – Giai đoạn 3 (hoàn thành năm 2024 với chi phí kế hoạch là 100 triệu USD) và Gemalink – Giai đoạn 2 (hoàn thành năm 2025, kế hoạch chi phí đầu tư là 300 triệu đồng).

Hơn nữa, công ty có kế hoạch thực hiện một M&A khác với giá trị ước tính 50 triệu USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 là khoảng 450 triệu USD. Chi phí vốn có thể là một vấn đề mà ban lãnh đạo phải giải quyết trong môi trường lãi suất cao như hiện nay. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận sắp tới từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ là một sự tiếp ứng về vốn rất kịp thời cho GMD.

Quan điểm của Research SSI

“Từ báo cáo gần đây nhất, thương mại Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nhiều, với tổng giá trị thương mại trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 14,7% so với cùng kỳ, nhưng tăng nhẹ +5% so với tháng trước trong tháng 5. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu vẫn giảm 18% svck trong tháng 5 và đây được coi là tín hiệu xấu cho xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 do phần lớn giá trị nhập khẩu của Việt Nam là các nguyên vật liệu cho sản xuất.

Do đó, chúng tôi lo ngại hơn và đang theo dõi sát sao triển vọng phục hồi xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 5% so với tháng trước là một dấu hiệu tích cực. Vì vậy, hiện tại chúng tôi vẫn giữ nguyên ước tính cho GMD, nhưng có thể điều chỉnh giảm ước tính nếu xuất khẩu không cải thiện hơn trong những tháng tới trong năm 2023.

Cụ thể, chúng tôi duy trì giả định tổng sản lượng cảng cho GMD là 2,7 triệu TEU, -10% svck trong năm 2023 và 3,4 triệu TEU, +22% svck trong năm 2024. Các mức phí dự kiến sẽ duy trì ổn định trong giai đoạn này.

Trong ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy thông tin về việc hoàn tất thương vụ thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ và khoản lợi nhuận lớn từ thương vụ sẽ được ghi nhận trong Q2/2023 sẽ là động lực giúp tăng giá cổ phiếu. Về dài hạn, chúng tôi nhận thấy sự phục hồi trở lại từ mức nền thấp được thiết lập trong năm 2023 sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho giá cổ phiếu.

Định giá 

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 1 năm là 61.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị xuống KHẢ QUAN (từ MUA), do chúng tôi nhận thấy rủi ro suy giảm đối với thương mại Việt Nam nói chung và ước tính của chúng tôi đối với GMD trong năm 2023. Chúng tôi có thể điều chỉnh giảm ước tính và giá mục tiêu trong trường hợp hoạt động xuất/nhập khẩu của Việt Nam chưa
có dấu hiệu phục hồi vào Q3/2023 như giả định hiện tại của chúng tôi.

Cập nhật PTKT cổ phiếu GMD

Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu GMD
Đồ thị PTKT của GMD (nguồn Tradingview)

Diễn biến giá của GMD không có nhiều thay đổi sau cập nhật gần nhất ngày 14/02/2023.

Xu hướng dài hạn của cổ phiếu vẫn là dao động trong vùng giá 40,000 – 60,000đ/cp.

Trong ngắn hạn, cổ phiếu dao động quanh vùng giá 50,000đ/cp. Mức giá 50,000đ/cp trở thành hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.

Với nhịp tích luỹ tích cực thời gian qua, xác suất GMD tiến lên vùng giá 60,000đ/cp trong thời gian tới là khá cao.

————————————————————-

Xem thêm: Cập nhật cổ phiếu VPB T6/2023: Khó khăn vẫn còn

Xem các bài viết mới cùng chủ đề tại: Nhận định cổ phiếu

 

Tuyên bố miễn trừ: Các nhận định trong bài viết được nêu dưới góc nhìn chủ quan của tác giả, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc. Nhadautu79 sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp nào đối với các thiệt hại khi sử dụng nội dung trong bài viết. 

 

You cannot copy content of this page