Cập nhật cổ phiếu GVR T7/2023: Phục hồi trong năm 2023

Cập nhật tình hình kinh doanh Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Cập nhật chỉ số GVR ngày 30/06/2023
GVR (nguồn Vietstock)

Trong quý I/2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 4.135,2 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 755,68 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 30% về còn 24,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 31,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 464,3 tỷ đồng, về 1.005,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 29,7%, tương ứng tăng thêm 52,9 tỷ đồng, lên 231,1 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ 1,7%, tương ứng giảm 2,5 tỷ đồng, về 142,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,7%, tương ứng tăng thêm 12,56 tỷ đồng, lên 471,22 tỷ đồng.

Biểu đồ kết quả kinh doanh theo quý của GVR
KQKD của GVR theo quý (nguồn Fireant)

Ngoài ra, trong quý I/2023, lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 11,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 52,81 tỷ đồng, tức giảm 63,95 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 16,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 65,87 tỷ đồng, về 336,1 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết nguyên nhân khoản mục lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận âm so với cùng kỳ dương là do CTCP Gỗ MDF VRG – Dongwha ghi nhận lỗ 11,85 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 53,88 tỷ đồng.

Như vậy, bên cạnh lợi nhuận gộp giảm, lãi công ty liên doanh & liên kết và lợi nhuận khác giảm đã dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm 42,6%, tương ứng giảm 559,92 tỷ đồng, về 755,68 tỷ đồng.

Khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu GVR, mức giá mục tiêu 23,800 VND/cp (theo KBSV)

Các mảng cao su, công nghiệp cao su và gỗ khó phục hồi trong 2023

Về mảng kinh doanh mủ cao su – mảng cốt lõi của GVR, chúng tôi kì vọng mức tiêu thụ vẫn ổn định không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế khó khăn dù mức giá cao su vẫn giữ ở mức thấp. Hiện mức giá cao su thế giới đã tăng 3.15% kể từ đầu năm, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn 27% so vức mức giá cao nhất ghi nhận trong 2022. Kim ngạch xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm đều chỉ ở mức 130 đến 180 triệu USD, dự kiến kim ngạch XK cao su quý 2 và các quý tới sẽ tương đương quý 1, chưa có dấu hiệu tốt hơn.

Kết quả kinh doanh của mảng công nghiệp cao su sụt giảm mạnh do cầu suy yếu. Xuất khẩu săm lốp hiện đã giảm 20 đến 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản phẩm cao su của Việt Nam cũng đang gặp phải sự cạnh tranh về giá với các sản phẩm của Thái Lan và Indonesia, dẫn tới giảm thị phần ở một số thị trường như Hàn Quốc. Hiện nhiều nhà máy của GVR chỉ hoạt động ở mức 50% công suất.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ dự kiến sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ chính, kéo theo giá bán và nhu cầu suy giảm trong năm nay.

Biểu đồ sản lượng và giá suất khẩu cao su Việt Nam
Biểu đồ sản lượng và giá suất khẩu cao su Việt Nam

Nam Tân Uyên 3 là động lực tăng trưởng mảng KCN của GVR trong ngắn và trung hạn

Dù đã được tập đoàn đặt vào 1 trong 5 mảng chính cần tập trung đẩy mạnh, mảng KCN của GVR không có nhiều tăng trưởng trong những năm gần đây do quỹ đất sạch đã hết. Khó khăn trong thủ tục pháp lý đã kéo chậm tiến độ nhiều dự án GVR đang triển khai. Việc Nam Tân Uyên 3 được giao hơn 344 ha đất vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo thêm dư địa tăng trưởng cho GVR, kì vọng sẽ cho thuê được 20 – 25ha từ cuố năm nay đến 2024.

GVR đang tập trung tiến hành thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cho 8 dự án KCN với kì vọng có thể đi vào khai thác trước 2026

Với quỹ đất cao su lên đến 290,000 ha ở Việt Nam, GVR sở hữu tiềm năng phát triển lớn về phát triển KCN trong dài hạn, tuy nhiên tiềm năng trong trung hạn là chưa rõ nét vì nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Sự phức tạp và chậm trễ trong các quá trình phê duyệt là khó khăn chung toàn ngành đang đối mặt, đất nông lâm trường mỗi lần chuyển đổi đều phải thay đổi phương án sử dụng đất.

Việc Nghị định số 10 của Bộ Tài nguyên Môi trường tháng 4/2023 được triển khai thực hiện sẽ giúp tháo gỡ nhiều thủ tục trong quy trình chuyển đổi đất, tập đoàn sẽ không còn phải điều chỉnh phương án sử dụng đất khi thực hiện quy hoạch của địa phương, kì vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ cho 8 dự án KCN mà GVR đang tập trung tiến hành thủ tục để đưa vào khai thác từ nay đến 2026.

Cập nhật PTKT cổ phiếu GVR 

Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu GVR
Đồ thị PTKT cổ phiếu GVR (nguồn Tradingview)

Nhìn vào khung daily có thể thấy cổ phiếu GVR vừa phá vỡ mô hình tam giác và bật tăng. Đà tăng mạnh trong ngắn hạn giúp GVR tăng một mạch từ vùng 17,000đ/cp lên vùng 20,000đ/cp (tương đương hơn 17%)

Tuy nhiên phân kỳ âm của RSI đã xuất hiện cho thấy sức mạnh tăng giá đang yếu dần. Xác suất cao GVR sẽ có một nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại lực cầu quanh 17,000đ/ cp trong thời gian tới trước khi có diễn biến tiếp theo.

————————————————–

Xem thêm: Cập nhật cổ phiếu DPM T6/2023: Cổ tức cao là điểm tựa

Xem các bài viết mới cùng chủ đề tại: Nhận định cổ phiếu

 

Tuyên bố miễn trừ: Các nhận định trong bài viết được nêu dưới góc nhìn chủ quan của tác giả, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người đọc. Nhadautu79 sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp nào đối với các thiệt hại khi sử dụng nội dung trong bài viết. 

 

You cannot copy content of this page