Nội dung
Chỉ số PEG là gì?
Chỉ số PEG là từ viết tắt của Price Earnings to Growth hay còn được gọi là hệ số PEG, tỷ số PEG. Đây là chỉ số dùng để so sánh giữa chỉ số P/E và tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) của một loại cổ phiếu nào đó. PEG được sử dụng để định giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó.
Nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch là người được cho là sử dụng hiệu quả nhất công cụ này.
Công thức
PEG = (P/E)/G
Trong đó:
- P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường và mức thu nhập của một cổ phiếu.
- G: Tốc độ tăng trưởng trong tương lai của cổ phiếu. G được tính theo kết quả dự phóng EPS (forward EPS). Khi đó ta hiểu:
Nếu một cổ phiếu có chỉ số P/E bằng 15, và:
- Trường hợp 1: G = 10%, thì khi đó PEG = 15/10 =1.5
- Trường hợp 2:G = 15%, thì khi đó PEG = 15/15 = 1
- Trường hợp 3: G = 20%, thì khi đó PEG = 15/20 = 0.75
PEG = 1
Khi P/E = G thì PEG = 1. Đây là chỉ số hoàn hảo vì tốc độ tăng trưởng bằng giá trị thực của cổ phiếu.
Thông thường, chỉ số P/E thể hiện kỳ vọng về tốc tăng trưởng của cổ phiếu trong tương lai và còn là yếu tố đo lường mức độ hoàn vốn.
Khi G bằng với PE nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn vào khoản đầu tư của mình.
PEG > 1
Lúc này, PE > G đồng nghĩa cổ phiếu đang được định giá cao, hay nói cách khác thị trường đang trả giá cao hơn so với tốc độ tăng trưởng về thu nhập của cổ phiếu.
PEG < 1
Ngược lại trường hợp này PE < G cho thấy cổ phiếu đang bị định giá thấp.
Hoặc thị trường không kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai.
Kết hợp với phân tích cơ bản các báo cáo tài chính doanh nghiệp, bạn có thể xác định đây có phải cổ phiếu tiềm năng để nắm giữ lâu dài không. Khi đó, bạn có thể mua vào và chờ thời điểm tăng giá.
Xác định Tốc độ tăng trưởng (G)
Trên thực tế sẽ không có 1 công thức cụ thể nào giúp bạn xác định chính xác con số này.
Thậm chí, đến ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng không dám tự tin khẳng định chính xác doanh nghiệp mình sẽ tăng trưởng bao nhiêu % trong 3 – 5 năm tới.
Tuy nhiên, dưới đây là 2 gợi ý mà chúng ta có thể sử dụng để dự phóng yếu tố G này:
Dựa vào kết quả kinh doanh quá khứ
Chúng ta sẽ dựa vào số liệu quá khứ về lợi nhuận ròng (hoặc EPS) để tính toán tốc độ tăng trưởng bình quân trong quá khứ, sau đó điều chỉnh về mức hợp lý cho tương lai.
Việc điều chỉnh cần dựa trên các yếu tố như đặc điểm ngành nghề, tiềm năng tăng trưởng của sản phẩm, chu kỳ kinh tế, lợi thế cạnh tranh…
Dữ liệu tính toán nên là khoảng thời gian dài (từ 3 – 5 năm), hoặc theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp…mục đích là để tránh những biến động trong ngắn hạn khiến lợi nhuận ròng (hoặc EPS) tăng/giảm đột biến.
Dựa vào kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo hoặc báo cáo phân tích của các CTCK
Điều này không dễ, chúng ta có thể có được kế hoạch kinh doanh hàng năm của các doanh nghiệp, những không dễ để có được kế hoạch kinh doanh (trừ khi chúng ta có quan hệ với bộ phận tài chính của doanh nghiệp).
Tuy nhiên với các công ty chứng khoán thì điều này tương đối dễ thực hiện, khi phần lớn bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán đều có dự phóng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 đến 5 năm tiếp theo.
Một số lưu ý khi sử dụng chỉ số PEG
- Chỉ số PEG không nên sử dụng độc lập mà phải kết hợp thêm với các chỉ số tài chính khác. Bởi lẽ, việc NĐT sử dụng chỉ số PEG khi phân tích một cổ phiếu sẽ không có được cái nhìn đầy đủ nhất về công ty và triển vọng của cổ phiếu đó. .
- Chỉ số PEG được tính toán dựa trên dự đoán về tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu mà tốc độ tăng trưởng thì chỉ có thể ước lượng một cách tương đối.Một số cổ phiếu không thể tính toán được tốc độ tăng trưởng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Khi xét về mức độ tăng trưởng của cổ phiếu dùng để tính toán chỉ số PEG, bạn nên phân tích trong dài hạn, khoảng từ 3 cho đến 5 năm.
- Khi xem xét về tốc độ tăng trưởng bạn nên cẩn thận với những cổ phiếu có chỉ số G quá cao.
Tóm lại, chỉ số PEG là một công cụ hữu hiệu giúp nhà đầu tư có thể định giá được cổ phiếu đang ở trạng thái đắt hay rẻ, tuy nhiên công cụ nào cũng có sai số và nhược điểm riêng, đối với PEG việc xác định càng chính xác G càng quan trọng. Nhà đầu tư cần tránh việc kỳ vọng quá cao hoặc quá bi quan vào G từ đó dẫn đến việc ra quyết định sai.