CPI Mỹ giảm, Trung quốc nới lỏng zero-covid và giải cứu bất động sản, áp lực bên ngoài đã giảm bớt.

CPI Mỹ giảm 

Trong tháng 10, chỉ số CPI của Mỹ tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 7.7% so với cùng kỳ. Trước đó, các chuyên gia dự báo CPI tăng 0.6% so với tháng trước và 7.9% so với cùng kỳ. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước và 6.3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo tương ứng 0.5% và 6.5%. Đà giảm 2.4% của giá phương tiện di chuyển góp phần kéo giảm lạm phát. Giá quần áo giảm 0.7% và dịch vụ chăm sóc y tế giảm 0.6%.

CPI Mỹ từ tháng 11 được dự báo thậm chí có tốc độ giảm còn mạnh hơn nữa khi giá nhà, giá xe và giá xăng dầu ở Mỹ đang bắt đầu giảm mạnh. Điều này giúp cho thị trường chứng khoán Mỹ  ngay lập tức có phản ứng tích cực khi nhà đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ bắt đầu bớt diều hâu trong chính sách tiền tệ.

CPI Mỹ hạ nhiệt khiến chỉ số đồng USD tại các thị trường cũng giảm mạnh.Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng hạ nhiệt, giảm xuống còn 3,93% cũng nhờ chỉ số CPI tháng 10 giảm. Đồng USD hạ nhiệt làm giảm áp lực đáng kể lên các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND của Việt Nam.

Khoan dự đoán về động thái tiếp theo của FED, chỉ riêng việc tỷ giá USD hạ nhiệt sẽ giảm áp lực đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp đang có nợ vay bằng USD hay các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa.

 

Trung quốc nới lỏng zero- covid và giải cứu bất động sản 

Trung Quốc gần đây đã đưa ra một số thông báo về việc nới lỏng chính sách “Zero Covid” nhưng vẫn chưa có thông báo về việc mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên điều này cũng đủ để giúp cho nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của các ngành sản xuất ở Trung Quốc. Việc nới lỏng hạn chế zero – covid cũng giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó Trung Quốc đã công bố gói giải cứu quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm cứu thị trường bất động sản hiện vẫn đang trong trạng thái suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh thanh khoản bị thắt chặt. Không giống các lần giải cứu trước đây trong quá khứ, biện pháp cứu thị trường bất động sản mới nhất toàn diện hơn, nó bao gồm 16 biện pháp, từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản mà các doanh nghiệp bất động sản đang đương đầu cho đến việc nới điều kiện thanh toán cho người mua nhà.

Nếu thị trường bất động sản Trung Quốc hồi phục, đó có thể là gợi ý về chính sách cho nhà điều hành Việt Nam tránh được cuộc khủng hoảng trong nước.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam 

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự gãy đổ về cấu trúc.

Tiền đang bị rút ra khỏi thị trường vì một số nguyên do:

  • Các ngân hàng đang xảy ra hiện tượng huy động thấp hơn tín dụng dẫn đến việc thiếu nguồn tiền cho các công ty chứng khoán. Nhiều công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn cho vay margin từ các ngân hàng đang phải cắt margin hàng loạt cổ phiếu.
  • Trong bối cảnh thiếu room tín dụng, nhiều chủ doanh nghiệp đã cầm cố cổ phiếu để vay tiền, khi thị trường giảm sâu, lượng cổ phiếu này bị bán giải chấp tạo thành vòng xoáy giảm giá.
  • Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, khiến các bên đang cố gắng bán cổ phiếu trên thị trường để có nguồn tiền.
  • Tâm lý nhà đầu tư hoang mang do những tin đồn thất thiệt. Đến thời điểm này, có thể không còn hiện tượng bán tháo từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua vào bất chấp giá cổ phiếu đã giảm rất sâu, khiến giá cổ phiếu khó hồi phục.

Vòng xoáy giảm giá trên thị trường trong giai đoạn này chủ yếu đến từ việc đột ngột thắt chặt tín dụng của ngân hàng nhà nước. Chỉ khi nào nút thắt này được gỡ bỏ thị trường mới có thể phục hồi.

 

You cannot copy content of this page