Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Nội dung
Khí chất phù hợp cộng với nền tảng kiến thức phù hợp đem đến cho bạn hành vi phù hợp.
“Warren vẫn luôn nói rằng khí chất cần thiết nhất để đầu tư giỏi là biết tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam. Điều này cộng với một triết lý đầu tư dựa trên các công ty có cơ cấu kinh tế hoàn hảo trong dài hạn chính là bí mật đầu tư thành công của Warren. Mua cổ phiếu các công ty vĩ đại khi mọi người đều e sợ, và tránh xa chúng khi mọi người tranh giành. Khí chất phù hợp sẽ mách bảo bạn biết nhấn nút lúc nào và ở đâu – bạn thu gom khi người ta sợ hãi và bán đổ bán tháo cổ phiếu, và bạn không nhấn nút khi mọi người trở nên tham lam và đấu giá cổ phiếu bay đến tận mặt trăng.
Trong sự nghiệp đầu tư của mình Warren đã từng hai lần ngừng toàn bộ các hoạt động mua cổ phiếu vì giá của chúng đã leo thang lên quá cao. Lần đầu tiên là vào thời đỉnh điểm của thị trường giá lên trong cuối thập niên 1960, và lần thứ hai là đỉnh điểm giá lên trong cuối thập niên 1990. Cả hai lần rút lui này đã giúp ông không bị tổn thương khi thị trường sụp đổ sau đó, và cả hai lần rút lui này đã để lại cho ông rất nhiều tiền mặt để tận dụng giá cổ phiếu thấp kéo theo sau đó.”
Người ta luôn tham lam, sợ hãi, và điên rồ; đây là một điều có thể nhìn thấy trước. Tác hại của nó thì không thể thấy hết được.
“Warren biết rằng đôi khi nhà đầu tư tỏ ra hết sức hào hứng với một loại cổ phiếu và nâng giá nó quá cao. Ông cũng biết đôi khi người ta lại quá sức sợ hãi và hạ giá cổ phiếu trầm trọng. Điều ông không biết là khi nào những hiện tượng này xảy ra – chỉ biết là nó sẽ xảy ra – và khi nó xảy ra, ông luôn đứng sẵn ở đó để tận dụng mức giá rẻ do sự sợ hãi và điên rồ gây ra. Tránh sự tham lam và chờ đợi sự sợ hãi và điên rồ tạo ra cơ hội. Đây là cách làm việc của một nhà đầu tư thông minh.
Một ví dụ tuyệt vời minh họa cho điều này là khi Warren mua cổ phiếu của Wells Fargo ngay lúc khủng hoảng ngân hàng năm 1990. Không ai muốn mua cổ phiếu ngân hàng lúc đó vì người ta sợ số nợ không thu hồi được khi cho vay bất động sản sẽ làm các ngân hàng vỡ nợ. Warren chọn một ngân hàng mà ông cảm thấy có bộ máy quản lý tốt nhất và đủ mạnh để chống đỡ cơn bão tài chính đang vây quanh. Ông đầu tư khoảng 289 triệu đô la vào Wells Fargo, và trong vòng 8 năm, con số này đã tăng hơn gấp đôi.”
Bản thân cổ phiếu không biết bạn đang sở hữu nó.
“Người ta hay nhân cách hóa các vật vô tri, ví dụ như các con thú nhồi bông, xe hơi hay cổ phiếu. Khi nhân cách hóa cổ phiếu, tư duy tình cảm sẽ lấn át tư duy lý trí. Đây là một điều không hay trong đầu tư. Khi đến lúc phải bán ra, bạn không muốn ngồi đó chần chừ chỉ vì bạn ‘yêu mến’ cổ phiếu này. Ngoài ra, khi cổ phiếu xuống giá, không có lý do gì bạn lại nổi giận với nó – nó đâu có biết bạn đang sở hữu nó. Nó không cảm nhận được sự phản bội và bạn cũng nên như vậy.”
Kết hợp sự ngu dốt với tiền đi mượn thì hậu quả có thể rất thú vị.
“Sự ngu dốt có thể che mắt bạn khỏi sự điên rồ – tiền đi mượn sẽ cho phép bạn nhắm mắt đi theo sự ngu dốt của mình đến ngưỡng cửa điên rồ. Điên rồ là khi bạn mất hết toàn bộ số tiền mà bạn đã vay của ngân hàng. Còn ngân hàng thì không bao giờ quên. Trong thời đại của chúng ta, có một hành động vay tiền điên rồ nhất của nhóm đầu tư, chưa ai biết đến, là Long-Term Capital; họ đã vay được 100 tỉ đô la để đầu tư vào cổ phiếu phái sinh. Và trong một hành động cực kỳ điên rồ không thể lường trước, họ không chỉ tiêu tán toàn bộ số vốn của các nhà đầu tư mà còn gần như làm tê liệt toàn bộ hệ thống tài chính của đất nước. Khi sử dụng tiền vay mượn, những gì có khả năng tiêu tan thường sẽ tiêu tan. Khi đó, cảnh tượng chẳng bao giờ đẹp đẽ cả.”
Trong bảy trọng tội, tội đố kỵ là ngu ngốc nhất, vì nếu bạn đố kỵ, bạn sẽ không cảm thấy thoải mái. Bạn cảm thấy rất tồi tệ. Tôi cũng đã từng trải qua những lúc tham ăn háu uống… chúng ta sẽ không bàn đến tội dâm ô.
“Tham lam là một điều tuyệt vời nếu nó phục vụ cho bạn chứ không phải là ông chủ của bạn. Bạn không thể làm giàu nếu không có một chút tham lam, và bạn không thể hạnh phúc nếu bạn quá tham lam. Tham lam nhiều dẫn đến ganh ghét, và ganh ghét là một con đường của cảm giác không bao giờ thấy đủ. Vấn đề ở đây là phải có chút đam mê tiền bạc, chứ không bị ám ảnh ganh ghét với số tiền của người khác cất giữ trong con heo đất của họ. Những người giàu có hạnh phúc nhất là những người yêu thích cuộc đời kinh doanh đi liền với làm ra tiền và không quan tâm đến tài sản của người khác. Thêm nữa, làm giàu còn gì vui nếu giàu có đồng nghĩa với đau khổ vì ganh ghét?
Còn nói đến ham ăn háu uống, thì món ăn thường xuyên đầy thích thú của Warren là Coca với hamburger, những miếng thịt bò dày và khoai tây chiên đầy ắp, thói quen ăn uống từ sau một bữa tiệc sinh nhật hồi còn nhỏ. Khẩu phần ăn này khiến các cổ đông của Berkshire lo lắng cho sức khỏe của Warren, vì họ còn muốn hưởng lợi từ sự khôn ngoan của vị chủ tịch càng lâu càng tốt. Warren, một người luôn suy nghĩ lý trí, cho rằng việc tăng thêm một vài năm tuổi thọ nhờ chuyển sang một chế độ ăn khỏe mạnh hơn thật không đáng với việc giảm đi sự thỏa mãn khi phải bớt ăn các món yêu thích này. Mark Twain (nhà văn Mỹ, nổi tiếng trên thế giới với nhiều tác phẩm như Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer) cũng đồng tình với ý kiến này trong lĩnh vực rượu bia và xì gà.”
Còn nữa …
(nguồn tổng hợp)