Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Nội dung
Trong thế giới kinh doanh, hình ảnh trong gương chiếu hậu luôn rõ ràng hơn trên kính chắn gió.
“Trong thế giới kinh doanh, mọi việc khi nhìn lại đều hoàn hảo. Nhưng tương lai thì luôn bị ẩn giấu sau một môi trường đầy biến động. Thật khó biết được mình đang đi đâu nếu không nhìn thấy đường.
Đây là một lý do khiến Warren tránh xa các cổ phiếu công nghệ – đơn giản vì ông chẳng biết được con đường phía trước như thế nào. Theo ông, thậm chí Bill Gates, bạn thân của ông, người sành sỏi về công nghệ, cũng không thể nói trước được. Đó là lý do khiến Warren chỉ tập trung vào những sản phẩm đã được thử thách. Ông biết được tương lai của chúng trong 15 năm nữa.
Liệu lúc đó người ta có bỏ thói quen cạo râu không? Thôi uống Coke? Thôi mua bảo hiểm xe hơi? Thôi nhai chewing gum? Thôi dẫn con đi Dairy Queen những đêm hè nóng nực? Khả năng gần như không có. Warren không quan tâm đến những sản phẩm có một chiếc kính chắn gió nhớp nháp; ông chỉ quan tâm đến những sản phẩm cho ông nhìn thấy con đường phía trước.
Với những sản phẩm này, ông có thể xác định được giá trị kinh tế dài hạn của chúng và cân nhắc liệu thị trường chứng khoán với tầm nhìn ngắn hạn có ép giá cổ phiếu của chúng hay không.”
Tôi rất nghi ngờ những người chỉ giỏi ở một lĩnh vực – một vận động viên hay nhà giải trí chẳng hạn – lại cho rằng họ có thể điều khiển thế giới trong mọi lĩnh vực. Đối với những ai trong chúng ta cho rằng vì mình làm ra nhiều tiền, mình cũng giỏi đóng góp ý kiến trên mọi chủ đề – theo tôi, điều này thật điên rồ.
“Điều này quay lại với lý thuyết đầu tư của Warren: chỉ tập trung vào những công ty ông hiểu rõ, những công ty thuộc vòng tròn năng lực của mình. Ông sẽ không đầu tư vào những công ty nằm ngoài vòng tròn này và không đưa ra những lời khuyên ngoài phạm vi hiểu biết của mình. Đây có thể là bí quyết giúp ông trở nên xuất chúng – chỉ tập trung vào những gì mình biết.
Điều này cũng là lời cảnh tỉnh đối với những kẻ giàu có cực kỳ điên rồ, cho rằng tiền bạc giúp họ thông minh hơn trong mọi lĩnh vực.
Bà B. khi qua đời giàu hơn hẳn đa số những ông vua tại Wall Street được đào tạo tại Harvard, nhưng bà không biết đọc biết viết. Bà chỉ hiểu rất rõ một thứ trên thế giới: làm thế nào để thu lợi nhuận từ việc mua bán đồ gỗ. Trên thực tế, nếu bạn mua đồ gỗ từ cửa hàng của bà tại Omaha rồi gửi về San Francisco, vẫn còn rẻ hơn mua trực tiếp tại San Francisco.
Khi tôi hỏi làm thế nào bà kiếm lời nếu bán hàng giá rẻ như thế, bà cho biết bí quyết nằm ở khâu mua vào. Nếu bà mua vào với giá thấp, bà có thể bán ra với giá thấp hơn các đối thủ mà vẫn có lời.
Làm thế nào bà mua được giá thấp? Đối thủ của bà mua trả chậm và phải trả đúng giá; còn bà trả bằng tiền mặt, mua với số lượng lớn, nên luôn được giảm giá. Bà cũng là chủ sở hữu mặt bằng kinh doanh, không phải trả tiền thuê, giúp giảm chi phí thêm nữa. Và đúng là bà không biết đọc biết viết, nhưng ối trời ơi, bà biết đếm tiền siêu lắm!
Bài học rút ra là: hãy tập trung vào những gì mình biết để không bị đánh giá ngu ngốc, và biết đâu bạn có thể trở thành người siêu giàu, ngay cả khi bạn không biết đọc biết viết.”
Không phải nền kinh tế làm hại nhà đầu tư, chính bản thân họ tự hại mình.
“Chính là vì những nhà đầu tư cứ hết nhảy từ cổ phiếu này sang cổ phiếu khác, trả giá quá cao cho các công ty không có chút hy vọng nào biện minh cho giá cổ phiếu bằng thu nhập thực tế. Chính là vì con số chi phí giao dịch liên tục bị rút tỉa bởi những nhà quản lý tài chính, thu từ khách hàng dưới danh nghĩa giúp họ làm giàu.
Chính là vì những nhà đầu tư lười biếng không làm bài tập kiểm tra các thương vụ của mình, đồng nghĩa với việc họ cứ nhắm mắt mua bán theo số đông chứ không phải theo các nguyên tắc làm giàu căn bản. Chính là vì cơ hội thu lại tiền nhanh chóng, dễ dàng thông qua tiên đoán khiến họ đổ tiền ngày càng nhiều vào những canh bạc đến mức cháy túi.
Chính là vì những nhà đầu tư hoảng loạn khi mọi người xung quanh rút dần khỏi cuộc chơi, buộc họ phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt. Chính là vì họ đầu tư theo cảm tính thay vì lý trí, không xem đầu tư là việc mua cơ hội gắn với doanh nghiệp. Chính là vì cơn sốt kiếm tiền ngắn hạn đã làm mờ mắt họ trước những cơ cấu kinh tế dài hạn của công ty.
Đây là những hòn đá kéo chân họ xuống, chứ không phải vì con số GNP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất thêm 0,25%.”
Vì một số lý do mà người ta quyết định dựa trên xu hướng giá cả chứ không dựa trên giá trị. Giá cả là thứ bạn phải trả. Giá trị là thứ bạn nhận về.
“Warren tin rằng số tiền bạn trả quyết định giá trị bạn nhận về – trả quá nhiều thì giá trị bạn nhận được sẽ nhỏ đi; trả ít thì giá trị bạn nhận sẽ tăng lên. Nếu một công ty kiếm được 10 triệu đô la mỗi năm và bạn mua lại với giá 100 triệu đô la, nghĩa là bạn trả 100 triệu và nhận về 10 triệu mỗi năm.
Nếu bạn trả cao hơn, giả sử là 150 triệu, thì giá trị bạn nhận sẽ ít hơn so với khi bạn chỉ phải trả 75 triệu. Trả cao, nhận ít. Trả ít, nhận cao. Bí quyết của trò chơi là làm sao luôn luôn trả ít và nhận cao.”
Cái gì đi lên không nhất thiết phải đi xuống.
Warren nói câu này với hàm ý về giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng từ 19 đô la năm 1965 lên 95.000 đô la một cổ phiếu vào năm 2006. Một công ty có giá trị nội tại liên tục gia tăng như Berkshire Hathaway có thể có giá cổ phiếu cứ tăng, tăng và tiếp tục tăng.
Còn nữa …
(nguồn tổng hợp)