Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Nội dung
“Xây dựng danh tiếng mất 20 năm nhưng phá huỷ chỉ cần năm phút. Nếu bạn nhớ đến điều này, bạn sẽ hành động khác đi.”
Chỉ cần một hành động ngu ngốc và những dư luận xấu là đủ để phá hủy ngay lập tức danh tiếng mà bạn đã dành cả đời để xây đắp. Tốt nhất bạn không nên làm nếu bạn biết điều đó là sai, bởi nếu bị bắt quả tang, cái giá phải trả có khi quá đắt so với khả năng của bạn. Đây là những lời mà Buffett đã rỉ tai cho các con từ khi chúng còn mang tã nằm nôi.
Khi vụ án kế toán bị phanh phui và người khổng lồ trong ngành bảo hiểm AIG bị sụp đổ, Buffett nói với các giám đốc của mình: “Cuộc điều tra hiện tại trong ngành bảo hiểm lại càng nhấn mạnh đến nội dung thông điệp mà tôi thường xuyên nhắc nhở quý vị trong lá thư ngỏ được gửi mỗi năm hai lần: Berkshire có thể chấp nhận mất tiền, thậm chí là mất nhiều tiền. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận mất danh tiếng, dù chỉ là một mảnh nhỏ của danh tiếng… Về lâu dài chúng ta sẽ tạo dựng được danh tiếng xứng đáng với công sức của mình. Chỉ cần tập trung vào khoảng giữa sân là được rồi, đất đã đủ rộng để quý vị kiếm tiền, không cần thiết phải chơi ở khu vực ranh giới mập mờ.”
Wall Street đầy rẫy những người khổng lồ gục ngã vì để sự tham lam che khuất con mắt tinh tường và đã không nghe theo lời khuyên này.
“Thị trường cũng như Đức Chúa trời, chỉ giúp những người nào biết cô gắng vươn lên. Nhưng không giống Đức Chúa trời, thị trường không tha thứ cho những kẻ không biết mình đang làm gì.”
Thị trường chứng khoán là nơi để bạn làm giàu nếu bạn biết rõ mình đang làm gì. Nhưng nếu bạn không biết mình đang làm gì, nó sẽ chẳng tiếc gì mà không lấy hết tiền cho bạn nghèo đi. Sự ngu xuẩn, khi kết hợp với tham lam, là nguyên liệu của những thảm họa tài chính. Năm 1969, khi thị trường đang đến hồi đỉnh cao, Warren cho rằng cổ phiếu đã bị nâng giá quá cao nên quyết định rút lui hoàn toàn ra khỏi thị trường chứng khoán. Đến năm 1973 – 74, thị trường đã đảo chiều và cổ phiếu được bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt. Warren bắt đầu thu gom vào một cách hào hứng, mà theo lời ông là, giống như “một anh chàng bị cấm vận tình dục nay bất ngờ rơi ngay vào giữa hậu cung đầy những phụ nữ đẹp.” Rất nhiều người đẹp này sau đó đã giúp ông trở thành tỉ phú.
Còn đối với những nhà đầu tư vẫn tiếp tục năng động trên thị trường sau khi Warren đã rút lui vào năm 1969, nhiều người trong số họ thậm chí không còn giữ được cái áo trên người khi thị trường sụp đổ năm 1973 – 74, và việc gầy dựng lại từ đầu gần như là ảo tưởng vì bạn cần có tiền để mua cổ phiếu. Muốn thành công tốt nhất bạn phải biết rõ việc mình đang làm.
“Tôi không cố gắng nhảy qua mức xà cao trên 2 mét. Tôi nhìn quanh và kiếm những mức xà chừng vài ba tấc để bước qua.”
Warren không bao giờ nhắm đến những vì sao. Ông không cố gắng thắng đậm ở mỗi trận ra quân. Ông luôn chờ đợi cơ hội chín muồi với những điều bền vững: những công ty không cần thay đổi sản phẩm, những ngành kinh doanh sẽ còn tồn tại hai mươi năm sau, và được chào bán với mức giá hợp lý ngay cả nếu ông mua toàn bộ công ty. May mắn cho ông là thị trường chứng khoán có tầm nhìn khá hạn hẹp và thường bỏ qua cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn, và vì vậy thị trường chứng khoán thường không định giá chính xác một công ty vĩ đại. Ông chỉ tuân thủ nguyên tắc đơn giản này và dành tất cả những lời bói toán với các chiến lược đầu tư phức tạp lại cho người khác ở Wall Street.
Khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1973 – 74, bạn có thể mua Ogilvy & Mather, một trong những công ty quảng cáo mạnh nhất trên thế giới, với giá 4 đôla một cổ phiếu khi lợi nhuận mỗi cổ phiếu là 0,76 đôla, tương đương với tỉ lệ P/E (giá/lợi nhuận) là 5. Warren đã mua hàng tấn cổ phiếu của công ty này và bán lại sau đó vài năm với tỉ lệ sinh lợi hàng năm cao hơn 20%. Một số thương vụ đầu tư nhiều khi đơn giản thế đấy.
“Sợi dây xích thói quen nhẹ đến mức rất khó có thể cảm nhận nhưng cũng nặng đến mức khó có thể gỡ bỏ.”
Đây là câu Warren trích dẫn từ nhà triết học người Anh Bertrand Russell. Lời trích dẫn đã khéo léo miêu tả bản chất âm thầm của những thói quen kinh doanh xấu và không bị phát hiện cho đến khi đã quá trễ. Ví dụ như việc cắt giảm chi phí khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, đáng lý ra bạn đã phải làm từ rất lâu trước khi bước chân tới ngưỡng nguy hiểm. Công ty nào bị ngập tràn trong những chi phí thừa ngay cả trong lúc làm ăn phát đạt thì sẽ bị nhận chìm khi mọi việc không được như mong muốn. Xu hướng tự lừa dối mình cũng cho bạn biết khá nhiều về những nhà quản lý đã để cho công ty tràn ngập những chi phí thừa. Tốt nhất bạn nên bỏ công kiểm tra những thói quen của mình xem hậu quả sẽ nhƣ thế nào trƣớc khi bạn chính thức bước chân đến con đường đó. Nếu bạn không thích định hướng tương lai từ những thói quen này, bạn nên thay đổi trước khi con tàu chìm dần trong biển khó khăn.
Đây là một bài học đã xảy ra cho Warren khi áp dụng chiến lược đầu tư kiểu Benjamin Graham, mua cổ phiếu giá hời được bán thấp hơn giá trị sổ sách bất kể bản chất cơ cấu kinh tế trong tương lai của công ty. Warren đã áp dụng cách này rất thành công trong những năm 1950 và 1960. Nhưng ông đã theo đuổi phương cách này quá lâu, sau khi nó đã mất tác dụng – sợi dây trói buộc của thói quen rất nhẹ. Vào cuối thập niên 1970, ông thức tỉnh và nhận ra rằng cơn sốt giá rẻ kiểu Graham đã không còn nữa, đồng thời ông thay đổi chiến lược sang mua cổ phiếu của những công ty vĩ đại với mức giá hợp lý và giữ lại trong thời gian dài – tạo thời gian cho doanh nghiệp phát triển về giá trị. Ông đã kiếm được tiền triệu bằng chiến lược cũ, nhưng chiến lược mới đã mang về cho ông bạc tỉ.
“Hôn nhân vì tiền có thể là một ý tưởng tồi trong bất cứ trường hợp nào, nhưng đặc biệt điên rồ nếu vốn dĩ bạn đã giàu có.”
Người thông thái biết rằng nếu bạn kết hôn vì tiền, bạn sẽ phải trả giá đến từng đồng xu mọn. Vì vậy nếu bạn đã giàu, có lý gì bạn lại muốn làm việc quần quật nữa! Tốt hơn bạn nên kết hôn vì tình và sau đó tập trung kiếm tiền. Mối tình của Warren với Susie đi đúng theo công thức này – họ tìm thấy tình yêu bên nhau và sau đó đồng lòng dốc sức tạo nên một nhà của cải. Thêm vào đó, những đôi vợ chồng cùng chung sức kiếm tiền thường sống chung lâu hơn. Và nếu thậm chí họ chia tay nhau, ít nhất họ cũng có cả núi tiền để tranh giành. (Warren không có ý kiến khuyên nhủ gì về vấn đề li dị).
Còn nữa …
(nguồn tổng hợp)