Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.
Nội dung
“Trong mỗi thương vụ đầu tư, bạn cần có đủ can đảm và niềm tin để bỏ ra ít nhất là 10% tài sản của mình vào cổ phiếu đó.”
Sự tin chắc được dựa trên những gì bạn biết sẽ xảy ra trong tương lai; niềm tin chỉ dựa trên những gì bạn hy vọng sẽ xảy ra. Để kiếm tiền từ trò chơi đầu tư, bạn cần phải tin chắc, nghĩa là bạn cần biết rõ việc mình đang làm. Một cách chắc chắn để đạt đến mức tin tưởng như Warren là hãy đầu tư với một khoản lớn tiền của mình. Điều này buộc bạn phải tập trung và luôn phải “làm bài tập” cân nhắc thật cẩn thận trước khi quyết định đầu tư. Nhưng nếu chiến lược đầu tư của bạn chỉ dựa trên niềm tin, thì bạn chưa phải là người ngoan đạo biết cầu nguyện.
“Tiền bạc, ở một mức độ nào đó, có thể đưa bạn đến với những môi trường thú vị hơn. Nhưng nó vẫn không thể thay đổi được việc bạn có bao nhiêu người yêu thương hay bạn có mạnh khỏe không.”
Sự thật là một khoản tiền quá lớn có thể gây ra bất hạnh lớn cho cuộc đời bạn. Con cái của bạn sẽ không chịu làm việc vì chúng nghĩ mình sẽ được thừa kế một gia tài khổng lồ, và như vậy chúng sẽ không có được sự quý trọng bản thân khi làm việc, có nghĩa là sau này chúng sẽ cảm thấy chua chát và chỉ biết ngồi đó cầu mong cho bạn chết sớm.
Nếu bạn giàu có một cách không tưởng, bạn có thể thấy xung quanh mình chỉ toàn những kẻ nịnh nọt luôn miệng tuôn ra những lời gian dối để vuốt ve cái tôi vĩ đại của bạn, biến bạn thành một thằng ngu trong mắt người khác. Và thay vì dùng tiền của mình để trải nghiệm những việc táo bạo trong cuộc sống, bạn cuối cùng chỉ chăm chăm làm sao kiểm soát tài sản của mình khỏi bọn gia nhân, luật sư, kế toán, hay những người được gọi là quản lý tiền bạc, những người đang cố hết sức mình giúp bạn chuyển tiền từ túi của bạn sang túi của họ.
Warren tin rằng những người con được thừa hưởng của cải quá lớn từ gia đình thường có khuynh hướng không làm gì cả, ông cũng tin rằng xã hội sẽ không được hưởng lợi từ một giai cấp thượng lưu tạo dựng của cải nhờ thừa hưởng. Ông tin rằng một đất nước chỉ thịnh vượng khi xã hội được tạo dựng từ những người có tài thực sự, và người ta nhận được thù lao từ công sức lao động của chính mình. Vì vậy ông đã đóng góp 32 tỉ đôla kiếm được từ đầu tư vào các quỹ từ thiện, với hy vọng nó sẽ quay ngược lại giúp cho chính cái xã hội đã tạo ra nó. Hãy để suy nghĩ này lan tỏa và tìm đến với trái tim của những người đang làm ra của cải trong xã hội.
“Cái gì không thể tiếp diễn mãi thì sẽ có lúc kết thúc.”
Giá cổ phiếu đang lên nhanh chóng rồi sẽ dừng lại khi thực tế kinh doanh của công ty cuối cùng cũng hiện rõ. Thoạt nhìn cứ tưởng nó có thể tiếp diễn mãi mãi, nhưng nếu công ty không đạt kết quả như kỳ vọng đã đẩy giá lên cao, thì cổ phiếu của công ty sẽ xem như đã đạt đỉnh và bắt đầu rớt nhanh như thả một viên gạch.
Hầu hết những công ty đang ăn nên làm ra hiện nay sẽ đến một lúc nào đó khựng lại. Mọi thứ đều thay đổi, vấn đề chỉ là thời gian. Những chiếc roi ngựa đã có thời được xem là ngành kinh doanh vĩ đại tại Mỹ, đầu máy video đã từng là thời thượng, bán và sửa chữa máy đánh chữ là một phần cần thiết và phức tạp trong phương trình kinh doanh. Ngày nay tất cả những thứ này chỉ còn là quá khứ không có chút hy vọng kinh tế nào. Mọi thứ đều kết thúc, và vì vậy bạn không chỉ phải luôn theo dõi tình hình mà còn phải biết lao đi trước một bước.
Đã vài lần Warren đầu tư vào những công ty hết thời hoặc sụt giảm nghiêm trọng dưới quyền quản lý của ông. Một ví dụ nổi bật là Blue Chip Stamps, đã hoàn toàn biến mất, và World Book Encyclopedia, hiện nay đang mất dần, cả hai đều thua cuộc trước môi trường kinh doanh thay đổi. Ngay cả một thiên tài cũng có thể sai lầm về con đường phía trước.
“Khi một nhà quản lý nổi tiếng về sự khôn ngoan nắm quyền quản lý một công ty nổi tiếng về cơ cấu kinh tế suy yếu, chỉ có tiếng tăm của công ty là không suy suyển.”
Có những công ty vĩ đại – những công ty có cơ cấu kinh tế vĩ đại – có khả năng tài chính cần thiết để xoay chuyển bản thân khi họ rơi vào khủng hoảng. Và cũng có những công ty tầm thường – những công ty có cơ cấu kinh tế suy yếu – không thể làm gì để cứu thoát ngay cả khi họ có một đội ngũ quản lý cực kỳ thông thái. Một công ty vĩ đại thường có đầy đủ tiền mặt, hiếm khi mắc nợ hoặc mắc nợ rất ít, và đứng ở một vị thế có thể tự mình thoát ra khỏi rắc rối hay thoát ra khỏi chu kỳ suy giảm của nền kinh tế. Những công ty tầm thường luôn phải vất vả tìm tiền mặt, nợ như chúa chổm, và nếu rơi vào rắc rối, họ thường phải giật bên này đắp bên kia, dẫn đến rắc rối ngày càng trầm trọng. Một công ty tầm thường cho dù được điều hành khôn khéo đến thế nào, thì cơ cấu kinh tế lỏng lẻo của nó vẫn sẽ cột chặt nó với kết quả yếu kém.
“Kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh.”
Có nhiều cách để miêu tả công việc kinh doanh của một công ty, nhưng nói gì thì nói, cuối cùng cũng quay về với ngôn ngữ của kế toán. Khi con gái một người đồng nghiệp hỏi Warren về những khóa học thiết yếu tại đại học, ông đã trả lời, “Kế toán – nó là ngôn ngữ của kinh doanh.” Để hiểu được bản báo cáo tài chính của một công ty bạn cần phải hiểu các con số. Và để làm được điều này bạn phải học kế toán. Nếu bạn không thể đọc được bản cáo bạch, bạn không thể tính toán, và đồng nghĩa với việc bạn không thể phân biệt kẻ thắng người bại.
Còn nữa …
(nguồn tổng hợp)