Đạo của Warren Buffett (P6)

Thành công trong đầu tư của Warren Buffett là điều hiếm ai có thể sánh bằng. Điều này không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ và liêm chính, mà còn do một phẩm chất đặc biệt hiếm có: Sự nhạy bén. “Đạo của Warren Buffett” là một tập hợp những câu nói súc tích, đầy cảm hứng, tiết lộ bí quyết đằng sau thành công của một trong những doanh nhân được yêu mến nhất nước Mỹ.

“Các vụ xoay chuyển hiếm khi nhúc nhích.”

Thế giới này đầy rẫy những công ty có cơ cấu kinh tế yếu kém bán cổ phiếu với giá thoạt nhìn là hời. Warren chỉ tìm những công ty tốt được bán với giá hợp lý, hay nếu tốt hơn, một công ty vĩ đại được bán với giá hời (mặc dù thường rất khó tìm). Những công ty yếu kém sẽ mãi là công ty yếu kém bất kể cái giá bạn bỏ ra là bao nhiêu. Giá cổ phiếu có thể thay đổi, nhưng bản chất bên trong của công ty vẫn không thay đổi. Nếu nó là một công ty tốt, nó sẽ giữ vững vị thế một công ty tốt, còn nếu là một công ty yếu, thì mãi nó vẫn là một công ty yếu kém.

Công ty yếu kém không thể được xoay chuyển thành công ty vĩ đại. Chỉ có trong truyện cổ tích thì con ếch xấu xí mới biến thành hoàng tử, nên mặc dù nhiều tổng giám đốc tin rằng họ có quyền năng thần kỳ, 95% những con ếch họ hôn vẫn chỉ là ếch – và con số 5% còn lại thì ngay từ đầu đã không phải là ếch. Warren tin rằng công sức quản lý và số vốn đầu tư tốt hơn nên được dành để mua một công ty có cơ cấu kinh tế tốt và được bán với giá hợp lý, thay vì đổ vào cho một công ty yếu kém đang trông đợi một nụ hôn thần kỳ, ngay cả khi nó được bán với giá rất hời. Sau khi hôn phải vài con ếch trong sự nghiệp của mình, ông kết luận rằng chúng chẳng hấp dẫn tí nào.

“Nếu một công ty làm ăn tốt thì giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo.”

Một hiện tượng trên thị trƣờng mà Warren tin tưởng là nếu công ty làm ăn tốt trong một thời gian dài thì giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo để phản ánh đúng giá trị gia tăng của công ty. Ngược lại, nếu công ty không làm ăn tốt trong một thời gian dài thì giá cổ phiếu sẽ giảm để thể hiện đúng hơn giá trị của công ty. Giá trị trong dài hạn của công ty chính là thƣớc đo điều chỉnh tình hình thị trường, lên hoặc xuống.

Vì vậy, cổ phiếu của các công ty mạng Internet tăng bất thường trong giai đoạn thị trường bùng nổ đều tụt giảm nặng nề khi họ không thể kiếm ra tiền trong dài hạn. Trong khi đó, những công ty vĩ đại có giá cổ phiếu giảm khi thị trƣờng chứng khoán sụp đổ đều ngay lập tức phục hồi khi thị trường nhận thấy năng lực sinh lợi của họ không hề suy suyển.

Nếu bạn mua cổ phiếu có giá thấp, bạn phải chắc chắn rằng cơ cấu kinh tế dài hạn của công ty vẫn ổn định. Nếu đúng như vậy, và công ty làm ăn tốt về lâu dài, thì cổ phiếu của bạn cũng tăng theo. Muốn cho giá cổ phiếu gia tăng thì công ty phải làm ăn thuận lợi, và muốn làm ăn tốt, nếu ngay từ đầu đã là một công ty vĩ đại thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Những công ty nhƣ Washington Post, Coca-Cola, Disney, American Express, General Foods, Wells Fargo, Interpublic Group, và GEICO đều là những công ty có cơ cấu kinh tế thuận lợi vào thời điểm Warren mua cổ phiếu của họ, nhưng giá cổ phiếu lúc đó không thuận lợi vì một vấn đề chưa giải quyết được hay vì ngành đang trong giai đoạn suy thoái, hay thị trường đang hồi sụt giảm. Trong tất cả các trường hợp này thì cơ cấu kinh tế dài hạn của họ cuối cùng đã buộc thị trường phải đánh giá lại và giá cổ phiếu tăng đáng kể.

“Quản lý sự nghiệp bản thân cũng giống như đầu tư – mức độ khó khăn không được tính đến. Vì vậy bạn có thể tiết kiệm được tiền bạc và công sức bằng cách chọn đúng chuyến tàu cần lên.”

Người ta không chỉ cần phải học hỏi nên đầu tư vào những công ty nào mà còn phải biết nên làm cho công ty nào. Nếu ta đi làm cho một công ty có cơ cấu kinh tế yếu kém thì ta không thể trông mong mình đạt thành quả cao, bởi công ty của ta không làm ăn tốt. Lương bổng sẽ thấp hơn mức trung bình thị trường, tăng lương là rất hiếm và xa vời, và nguy cơ mất việc cũng rất cao vì nhà quản lý luôn phải chịu áp lực cắt giảm chi phí.

Nhưng nếu bạn đi làm cho một công ty có cơ cấu kinh tế dài hạn thuận lợi, thì công ty này lúc nào cũng có dòng tiền luân chuyển mạnh. Điều này có nghĩa là lương bổng cao hơn, cơ hội tăng lương thăng chức nhiều hơn khi bạn làm tốt công việc. Ngoài ra bạn cũng có nhiều cơ hội tiến bộ khi cấp quản lý tìm cách chi tiêu số tiền lãi đó.

Bạn nên làm việc cho một công ty có tỉ lệ sinh lợi cao và làm ra nhiều tiền. Và bạn cũng nên tránh xa những công ty có lợi nhuận biên thấp và liên tục thua lỗ. Trường hợp đầu là một chỗ ngồi trên toa hạng nhất đến với đường Thuận lợi; còn trường hợp kia là một chỗ ngồi trên toa chở hàng vừa chậm chạp, vừa dằn xóc đến một địa điểm hẻo lánh ở vùng Siberia.

“Phản ứng của bộ máy quản lý yếu kém trước công việc kinh doanh yếu kém là một hệ thống kế toán yếu kém.”

Nếu một công ty có cơ cấu kinh tế yếu kém, và bộ máy quản lý không liêm chính, nó sẽ tạo điều kiện cho hệ thống kế toán yếu kém, thể hiện qua việc tạo ra các con số doanh thu ảo. Đây là một việc làm đơn giản, cực kỳ đơn giản – chỉ việc đưa chi phí vào phần đầu tư của đối tác, sau đó yêu cầu đối tác trả tiền lãi từ phần vốn đầu tư này, và ghi vào phần doanh thu. Giảm chi phí và tăng doanh thu chỉ là việc nâng bút lên hay xuống. Gia tăng doanh thu sẽ khiến cổ đông và Wall Street vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, giúp bạn đẩy giá cổ phiếu lên cao, đồng nghĩa với việc bạn sẽ được nhận tiền thưởng hàng triệu đôla, lại còn được mời ăn trưa với chủ tịch hội đồng quản trị. Thử nhớ lại vụ Enron, ngoài ra còn nhiều nữa.

 “Sự chênh lệch giữa một công ty cần nguồn vốn lớn để tăng trưởng và một công ty tăng trưởng không cần vốn là rất lớn.”

Đây là bí mật rất lớn trong chiến lược mua và giữ cổ phiếu của Warren. Nếu bạn mua và giữ cổ phiếu của một công ty cần nguồn vốn lớn để tăng trưởng, cổ phiếu của bạn sẽ không bao giờ tăng giá trị. Lý do là công ty luôn trong tình trạng thiếu vốn để giữ cho nó không bị nhận chìm bởi các đối thủ. Nếu bạn phải chi hàng tỉ đồng để tái thiết kế danh mục sản phẩm của mình sau mỗi năm năm, nghĩa là bạn đã mất cơ hội sử dụng hàng tỉ đồng vào việc mở rộng sản xuất hay mua lại công ty khác hay mua lại cổ phần.

Nhưng nếu một công ty có thể tăng trưởng mà không cần được bơm thêm vốn, nó có thể sử dụng số tiền dư ra này để làm được nhiều việc, gia tăng tỉ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, từ đó, đưa giá cổ phiếu của công ty gia tăng. Đó chính là lý do vì sao Warren thích mua cổ phiếu của những công ty như Wrigley’s và Coca-Cola thay vì GM hay Intel. Những công ty như Wrigley’s và Coca-Cola không bao giờ phải chi hàng tỉ đôla để thiết kế lại sản phẩm của mình hay trang bị mới cho nhà máy sản xuất, vì vậy họ có nhiều tiền để làm những việc vui thú hơn như mua lại cổ phần của chính mình. Ngược lại, GM hay Intel phải liên tục chi hàng tỉ đồng để thiết kế mới và trang bị lại dây chuyền sản xuất. Chỉ cần họ ngừng chi số tiền này vào các thiết kế mới hay dây chuyền sản xuất mới, họ sẽ bị qua mặt ngay lập tức bởi các đối thủ. Nếu một công ty cần nhiều vốn để tăng trưởng, nó sẽ không bao giờ làm bạn giàu có; còn nếu một công ty tăng trưởng không cần thêm vốn, nó sẽ không bao giờ để bạn nghèo khổ.

Còn nữa …

(nguồn tổng hợp)

You cannot copy content of this page