“Hãy biết hoài nghi tất cả” ! -Karl Marx-

Ngày 01/04/2021 Vni-index đã chính thức vượt đỉnh lịch sử và đóng cửa ở mức 1216.1 điểm. Vùng 1200 điểm được thiết lập cách đây 14 năm và đã một lần chinh phục thất bại vào năm 2018, dưới góc độ nhà đầu tư đây là một “niềm vui lớn” và có thể sau sự kiện này sẽ mở ra một trang mới rực rỡ hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngay lúc này, đang có rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn với các câu hỏi: Đây là vượt đỉnh thật hay chỉ là giả? Có cần chờ đợi thêm cho tín hiệu rõ ràng hơn? nếu thị trường quay đầu giảm ta có mất toàn bộ lợi nhuận? Nếu bán ra lúc này có bị mất hàng không? v.v.. đây là những câu hỏi hoàn toàn chính đáng và để tìm ra câu trả lời không bao giờ là chuyện đơn giản. Ngay cả bản thân người viết (đã từng nếm trải rất nhiều cung bậc của thị trường, có được và có mất) cũng chưa thể trả lời một cách rõ ràng được.

Quay lại tiêu đề bài viết, câu nói trên là câu trả lời của Karl Marx khi được người con gái hỏi về câu châm ngôn mà ông thích nhất, nó mang thông điệp ông muốn gửi con gái: Con hãy biết lắng nghe không chỉ bằng sự cầu thị của con tim mà cả bằng sự sáng suốt, khôn ngoan của trí óc. Sự hoài nghi mà Karl Marx muốn nói đến là “sự hoài nghi khoa học”, nó là một phẩm chất tốt và tích cực, nó đối lập hoàn toàn với sự đa nghi tầm thường.

Trong thế giới quan của chúng ta, chúng ta luôn cần có những căn cứ chính xác, hoàn toàn xác tin và chân thực, thậm chí phải thông qua quá trình nhận thức thông thường như nhìn thấy, nhớ lại v.v.. để có thể hoàn toàn tin tưởng một vấn đề nào đó. Nhưng đối với thị trường chứng khoán thì điều này là không thể, dù nhà đầu tư luôn phải làm việc với những con số toán học khô khan và thực tế, đọc những báo cáo từ những chuyên gia hàng đầu, thực hiện những giao dịch mua bán phải nhanh đến từng giây và chính xác đến từng 0.1% thì thị trường chứng khoán cũng chi là “thị trường của niềm tin” như câu nói của lãnh đạo một CTCK top đầu thị trường, mà đã gọi là niềm tin thì làm sao có thể có được căn cứ đủ xác tin và chân thực để chứng minh.

Cái chúng ta cần làm bây giờ không phải là đặt ra những câu hỏi thể hiện sự đa nghi mà là cần có một kế hoạch cụ thể cho từng tính huống của thị trường. Những kế hoạch được viết ra bởi sự cầu thị của con tim và sự sáng suốt, khôn ngoan của trí óc.

Trong đầu tư, ai cũng biết rằng thị trường luôn có 4 pha quan trọng là: Tích lũy, đẩy giá, phân phối, giảm. Trong quá trình vượt đỉnh, Vni-index đã trải quá nhiều biến động lớn. Tính từ tháng 04 năm 2018 tức là sau 11 năm kể từ năm 2007 vni-index mới có cơ hội quay lại vùng 1200 lịch sử. Thị trường ngay lập tức điều chỉnh mạnh từ vùng 1200 về vùng 900 điểm tương đương 25%, giai đoạn tích lũy để vượt đỉnh chính thức bắt đầu. Trong cả năm 2019 thị trường đi ngang quanh vùng 900-1000 điểm. Dịch bệnh thế kỷ xảy ra, Vni-index rơi một mạch về vùng 650 tương đương mất tiếp 25% trước khi bắt đầu quá trình hồi phục từ tháng 4/2020 đến nay. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng về lý thuyết nó giúp cho thời gian tích lũy diễn ra nhanh hơn, bỏ qua các yếu tố khách quan khác (dòng vốn, khả năng tiếp cận thị trường v.v..) nếu không có dịch bệnh rất có thể chúng ta vẫn đang loanh quanh mốc 1000 điểm.

Tích lũy như vậy chưa đủ hay sao? chúng ra còn chờ đợi tích lũy đến bao giờ? xét cho cùng chúng ta đâu phải tham gia thị trường để chờ đợi giảm và đi ngang. Chúng ta luôn ngưỡng mộ phố Wall vì ở đó luôn có những chỉ số như Dow Jones và S&P 500 chỉ biết có điều chỉnh và đi lên nhưng khi Vni-index đi lên thì chúng ta lại nghi ngờ nó, như vậy có quá đa nghi hay không.

“Sự tiến bộ của nhận thức, không chỉ đạt được do tìm ra những mảnh đất tri thức mới chưa từng khai phá, mà còn do tìm ra những cách nhìn mới về một sự vật hiện tượng cũ”. Hãy thử đặt ra những câu hỏi khác hơn , vượt 1200 có khác gì vượt 1000? mốc 1000 là mốc mà mới chỉ 5 năm trước đây chúng ta cũng băn khoăn như bây giờ. Vậy sau 5 năm nữa thì chúng ta đang ở đâu? định giá thị trường đã đủ hợp lý? các doanh nghiệp hàng đầu nền kinh tế liệu còn có thể giữ được đà tăng trường 30% hàng năm trong vòng 5 năm tới? v.v.. đây là những câu hỏi mà cho dù câu trả lời là thế nào chúng ta cũng có được sự tiến bộ về nhận thức chứ không phải chỉ nhận về những cơn đau đầu như sau khi Tào Tháo từng nghi ngờ Hoa Đà.

Đồ thị Vni-index đang có mẫu hình cốc tay cầm kinh điển của William O’Neil, theo lý thuyết sau khi phá vỡ mô hình chỉ số còn có thể tăng ít nhất 30% nữa tức là Vni-index tăng lên vùng 1500 điểm, một cơ hội quá lớn mà bất kỳ người làm kinh doanh nào cũng không thể bỏ lỡ.

Quy luật hàng trăm năm qua của thị trường chứng khoán thế giới luôn là đi lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thị trường chứng khoán của chúng ta còn dư địa vô cùng to lớn để phát triển. Hãy giữ “sự hoài nghi khoa học” để đôi chân ta còn trên mặt đất nhưng hãy để khối óc và con tim đưa niềm tin của chúng ta bay xa.

-nhadautu79-

 

You cannot copy content of this page