Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HoSE, cho hay dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc (hệ thống KRX) đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng, đang xem xét triển khai hệ thống trong năm nay. Năm 2024, hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động nhưng sớm hay mượn còn phụ thuộc vào chủ đầu tư là HoSE và các thành viên thị trường bảo đảm vận hành thông suốt hay không.
Trong năm nay, HoSE sẽ hướng đến nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; tăng cường ứng dụng thông tin chuẩn hóa dữ liệu giám sát; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết nâng chất lượng quản trị công ty và phát triển bền vững…
Hệ thống KRX là yếu tố quan trọng để nâng hạng thị trường
Theo thông tin từ HOSE, hệ thống KRX sẽ cho phép nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T+1) ngay từ thời điểm ban đầu, giúp đẩy nhanh vòng quay vốn trong hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường.
Tại các thị trường đã áp dụng cho phép bán chứng khoán chờ về như Mỹ, Hàn Quốc, Nhất Bản, Thái Lan… giá trị giao dịch bình quân một phiên của các thị trường này trong 5 năm qua đạt xấp xỉ 0.3% tổng vốn hóa thị trường. Con số này thậm chí còn cao hơn với các nước thuộc khu vực châu Á và thị trường mới nổi, đạt 0.42% (với đặc điểm giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn) trong khi giá trị giao dịch bình quân trên vốn hóa của Việt Nam là 0.23%.
Được biết, tháng 9/2023, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để chính thức trở thành thị trường mới nổi.
Theo báo cáo từ FTSE, Việt Nam hiện còn 2/9 điều kiện để được nâng hạng bao gồm: Chuyển giao đối ứng thanh toán chấm mức “hạn chế” do hiện tại, nhà đầu tư cần có tiền khi đặt lệnh giao dịch thay vì chỉ cần có tiền khi thực hiện giao dịch; tiêu chí chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm do nhà đầu tư hiện cần có đủ 100% tiền mặt khi đặt lệnh giao dịch nên không xảy ra giao dịch thất bại.
(nguồn tổng hợp)