Liệu sự phô diễn sức mạnh ác ý có giết chết nền kinh tế thế giới ?

Nước Mỹ đã tạo ra hệ thống thương mại toàn cầu hiện đại. Những quy tắc điều chỉnh thuế quan và quy trình đàm phán nhằm giảm thuế dần theo thời gian xuất phát từ Đạo luật Thỏa thuận Thương mại Có qua Có lại (Reciprocal Trade Agreements Act), được Tổng thống F.D. Roosevelt đưa ra năm 1934. Việc thương mại quốc tế phát triển dưới hệ thống này tuy có một số mặt tiêu cực, nhưng nhìn chung đã mang lại lợi ích lớn cho nước Mỹ và cho cả thế giới. Thực tế, đây là một trong những thành tựu chính sách vĩ đại nhất của chúng ta.

Hôm qua, Donald Trump đã phá hủy tất cả. Đây là điều vừa xảy ra với mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ:

(Biểu đồ từ USITC và Yale Budget Lab)

Mức thuế mà Trump công bố cao hơn gần như mọi dự đoán. Cú sốc này đối với nền kinh tế còn lớn hơn cả Đạo luật Thuế Smoot-Hawley năm 1930, đặc biệt khi xét đến thực tế rằng thương mại quốc tế hiện nay có tầm quan trọng gấp ba lần so với thời điểm đó.

Tuy nhiên, điều gây sốc không chỉ là quy mô của mức thuế. Có thể nói, điều khiến người ta lo lắng hơn cả là cách mà đội ngũ Trump đưa ra các mức thuế đó, sự ngu dốt ác ý một cách trơ trẽn của toàn bộ quá trình.

Bạn có thể dễ dàng cho rằng chỉ trích quy trình chính sách là sự kênh kiệu của giới tinh hoa. Nhưng thực tế, uy tín và sự tin cậy là yếu tố cốt lõi trong hoạch định chính sách. Doanh nghiệp không thể lên kế hoạch nếu họ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chính phủ các nước khác cũng sẽ không có động cơ xây dựng chính sách hợp tác với Mỹ nếu họ không tin rằng Mỹ sẽ phản ứng một cách hợp lý.

Vậy chúng ta biết gì về cách đội ngũ Trump xây dựng kế hoạch thuế quan? Trump tuyên bố rằng các mức thuế được áp dụng phản ánh chính sách của từng quốc gia. Nhưng nhà báo James Surowiecki nhanh chóng chỉ ra rằng các mức thuế này dường như xuất phát từ một công thức sơ sài, dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ với từng nước. Các quan chức Trump thì phủ nhận, nhưng đồng thời Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lại phát hành một thông báo xác nhận chính xác suy đoán của Surowiecki. Đây là lời giải thích của họ:

(Nguồn: USTR)

Bỏ qua các ký hiệu Hy Lạp vì chúng triệt tiêu lẫn nhau, công thức này nói rằng mức độ bảo hộ giả định của một quốc gia bằng thặng dư thương mại của họ với Mỹ chia cho kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.

Trump cũng đặt mức thuế tối thiểu 10% cho tất cả các nước (bao gồm cả những đảo không có người ở).

Có quá nhiều điều sai trái trong cách tiếp cận này đến mức không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng điều dễ thấy là phép tính của Trump chỉ xét đến thương mại hàng hóa, mà hoàn toàn bỏ qua thương mại dịch vụ. Đây là một thiếu sót lớn. Đáng chú ý là Liên minh châu Âu có thặng dư lớn với Mỹ nếu chỉ xét đến hàng hóa — nhưng điều này gần như được bù đắp bởi thâm hụt trong thương mại dịch vụ:

(Nguồn: Ủy ban châu Âu)

Vì vậy, nếu đội ngũ Trump đưa toàn bộ thương mại (bao gồm cả dịch vụ) vào công thức, họ sẽ kết luận rằng châu Âu hầu như không có chủ nghĩa bảo hộ.

Tất cả những điều này đến từ đâu? Một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ biết toàn bộ câu chuyện, nhưng theo tôi, đây giống như một thứ gì đó được gấp rút soạn ra bởi một nhân viên cấp thấp chỉ trong vài giờ. Thông báo của USTR, cụ thể, đọc như thể một sinh viên chưa học bài đang cố “chém gió” để qua kỳ thi.

Nhưng có thể còn tệ hơn thế. Công thức của Trump dường như là thứ bạn sẽ nhận được nếu yêu cầu ChatGPT hoặc các mô hình AI khác tạo ra chính sách thuế quan:

Trong bài viết ngay sau thông báo của Trump, tôi đã suy đoán rằng “lũ trẻ Dunning-Kruger” của Elon Musk có thể là người đứng sau các con số này. Giờ đây điều đó có vẻ là một khả năng thực sự.

Ai lại hoạch định chính sách kiểu này? Vấn đề cốt lõi là Trump không thực sự theo đuổi các mục tiêu kinh tế. Mọi thứ nên được nhìn nhận như một màn phô diễn sức mạnh, nhằm gây sốc và khiến người khác phải khuất phục, hơn là một chính sách theo nghĩa thông thường.

Tôi không hề tỏ ra kênh kiệu. Nhưng khi số phận của kinh tế thế giới đang bị đe dọa, thì sự ngu ngốc ác ý trong quy trình chính sách có lẽ cũng nguy hiểm không kém chính sách đó. Làm sao bất kỳ ai, từ doanh nghiệp cho đến chính phủ nước ngoài có thể tin tưởng vào bất cứ điều gì phát ra từ một chính quyền như thế này?

Tiếp theo, bạn có thể nói với tôi rằng đội ngũ của Trump đang lên kế hoạch quân sự qua các kênh không bảo mật và vô tình chia sẻ chúng với phóng viên. À, khoan đã …chuyện đó đã xảy ra rồi.

Tôi muốn tưởng tượng rằng Trump sẽ thừa nhận mình đã làm sai, hủy bỏ mọi thứ và bắt đầu lại từ đầu. Nhưng ông ta sẽ không làm thế, vì điều đó sẽ phá hỏng màn phô diễn quyền lực. Sự ngu dốt vô trách nhiệm chính là một phần của thông điệp mà ông ta muốn truyền đi.

(dịch từ bài viết của Paul Krugman)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page