Nội dung
Định nghĩa
Lợi nhuận là một chỉ tiêu tài chính quan trọng, thể hiện kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cũng là chỉ tiêu tài chính cơ sở để đánh giá, dự báo khả năng, tiềm năng sinh lời của doanh nghiệp. Theo chế độ Kế toán Việt Nam, lợi nhuận của các công ty đại chúng được trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và công bố công khai trên các phương tiện thông tin.
Chỉ tiêu này cho thấy khả năng tạo lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận từ các hoạt động cốt lõi của đơn vị chiếm tỷ trọng càng cao trong tổng lợi nhuận thì chất lượng của lợi nhuận càng cao và càng bền vững.
Cách tính lợi nhuận
Lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh được tính bằng cách trừ chi phí và các khoản chi khác từ doanh thu. Cụ thể, công thức tính lợi nhuận là:
Lợi nhuận = Doanh thu thuần – Chi phí sản xuất kinh doanh (giá vốn hàng bán) + doanh thu tài chính – Chi phí tài chính + lãi / lỗ công ty liên doanh liên kết – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lý doanh nghiệp + Thu nhập khác – Chi phí khác.
Ý nghĩa của lợi nhuận đối với nhà đầu tư chứng khoán
Khoản lợi nhuận là một trong những thông tin quan trọng mà các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư của mình.
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, lợi nhuận của một công ty là một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng tài chính và tiềm năng phát triển của công ty trong tương lai. Lợi nhuận càng cao, thì khả năng tăng giá cổ phiếu và trả cổ tức càng cao, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư vào công ty đó.
Ngoài ra, lợi nhuận còn có thể thể hiện khả năng quản lý và điều hành hiệu quả của doanh nghiệp. Một công ty có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian dài thường được đánh giá cao hơn so với một công ty không có khả năng tăng trưởng lợi nhuận.
Tóm lại, khoản lợi nhuận là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư và khả năng phát triển của một công ty, do đó, nó rất quan trọng đối với các nhà đầu tư chứng khoán.
Một số cạm bẫy đối với nhà đầu tư khi phân tích lợi nhuận
(nguồn kiểm toán nhà nước)
Thứ nhất
“Nghiên cứu về phương pháp tính chỉ tiêu lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận được thể hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được tính theo phương pháp toàn bộ.
Phương pháp toàn bộ cho rằng tất cả chi phí sản xuất đều liên quan đến kết quả sản xuất, nên chi phí sản xuất là chi phí sản phẩm và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính là chi phí thời kỳ.
Như vậy, chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ một phần ghi nhận vào giá vốn hàng bán trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (số lượng sản phẩm tiêu thụ x giá thành đơn vị), một phần ghi nhận vào giá vốn sản phẩm tồn kho cuối kỳ (chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ, chi phí sản xuất của thành phẩm tồn kho cuối kỳ) và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính phát sinh trong kỳ được ghi nhận toàn bộ trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Theo phương pháp toàn bộ, lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thường có xu hướng tích cực hơn vì lợi nhuận vẫn xuất hiện dù tình hình tiêu thụ tốt hay xấu, tiêu thụ nhiều giá vốn phân bổ nhiều, tiêu thụ ít giá vốn phân bổ ít và thông tin giá vốn sản phẩm tồn kho cũng thường có xu hướng tích cực hơn, giá trị cao hơn vì giá vốn sản phẩm tồn kho bao gồm cả biến phí và định phí sản xuất.
Thực trạng này dẫn đến nhà đầu tư ngộ nhận tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp khả quan hơn. Sự ngộ nhận này rất dễ dàng nhận biết qua so sánh lợi nhuận, giá vốn sản phẩm tồn kho được thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong trường hợp tính theo phương pháp toàn bộ và tính theo phương pháp trực tiếp.
Theo phương pháp trực tiếp cho rằng chỉ có biến phí sản xuất liên quan đến kết quả sản xuất trong kỳ nên chỉ có biến phí sản xuất là chi phí sản phẩm và định phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính đều là chi phí thời kỳ.
Như vậy, biến phí sản xuất trong kỳ một phần ghi nhận vào giá vốn hàng bán (số lượng sản phẩm tiêu thụ x biến phí sản xuất đơn vị), một phần ghi nhận vào giá vốn sản phẩm tồn kho cuối kỳ (biến phí sản xuất của sản phẩm dở dang cuối kỳ, biến phí sản xuất của thành phẩm tồn kho cuối kỳ) và định phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính phát sinh trong kỳ được ghi nhận toàn bộ trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Qua nghiên cứu lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cùng một tình hình hoạt động nhưng lợi nhuận thể hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động hoàn toàn khác nhau với những phương pháp tính khác nhau. Và chính sự khác nhau này chỉ ra các cạm bẫy mà nhà đầu tư cần chú ý khi phân tích lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là :
(1) Cùng một tình hình kinh doanh nhưng lợi nhuận thể hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động của doanh nghiệp có xu hướng cao hơn, tích cực hơn nên nhà đầu tư dễ ngộ nhận tình hình, kết quả, tiềm năng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn mặc dầu có thể doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng tiêu thụ khó khăn, hàng tồn kho gia tăng, nguy cơ phá sản.
(2) Giá trị hàng tồn kho cao hơn vì được phân bổ một phần định phí sản xuất dẫn đến nhà đầu tư dễ gián tiếp ngộ nhận tình hình, kết quả, tiềm năng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn do giá trị tài sản cao hơn trong khi định phí sản xuất là chi phí dài hạn doanh nghiệp phải gánh chịu hằng kỳ, trong nhiều năm khó cắt giảm.
Thứ hai
Nghiên cứu phương pháp thể hiện chỉ tiêu lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận thể hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được trình bày tách biệt với hàng tồn kho, với chi phí trả trước và chi phí phải trả. Như vậy:
(1) Khi nhận định lợi nhuận, nhà đầu tư thường bỏ qua mối quan hệ, ảnh hưởng giữa lợi nhuận với hàng tồn kho. Từ đó, khi đánh giá, dự báo tình hình lợi nhuận doanh nghiệp có hàng tồn kho với xu hướng giảm giá nhanh, nhà đầu tư thường bỏ qua những rủi ro, những ảnh hưởng nghiêm trọng của giảm giá hàng tồn kho đến lợi nhuận trong tương lai và ngược lại, khi đánh giá, dự báo tình hình lợi nhuận doanh nghiệp có hàng tồn kho với xu hướng tăng giá, nhà đầu tư thường bỏ qua những lợi ích tiềm tàng của tăng giá hàng tồn kho đến lợi nhuận tương lai. Quan sát báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam hay công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng với giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán có giá trị gấp nhiều lần, có khi cả trăm lần so với lợi nhuận, trong khi đó tình hình mất giá của hàng tồn kho đang diễn ra và chỉ cần xảy ra vài phần trăm thì con số lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoàn toàn vô nghĩa.
(2) Khi nhận định lợi nhuận nhà đầu tư cũng thường dễ bỏ qua quan hệ, ảnh hưởng của chi phí trả trước, chi phí phải trả đến lợi nhuận. Trong trường hợp, chi phí trả trước tồn đọng lớn sẽ có nguy cơ làm suy giảm lợi nhuận trong tương lai và ngược lại, trong trường hợp chi phí phải trả tồn đọng lớn lại có khả năng tiềm tàng tăng lợi nhuận trong tương lai.
Mặc dầu thông tin tài chính, thông tin lợi nhuận không phải là cơ sở quyết định đi đến một quyết định đầu tư của nhà đầu tư, nhưng một quyết định đầu tư không thể thiếu thông tin tài chính, thông tin lợi nhuận. Trong bài viết này, tác giả muốn gửi đến quý độc giả, nhất là những nhà đầu tư một khía cạnh nhận thức, phân tích lợi nhuận trong đầu tư để tránh những cạm bẫy khi tiếp cận thông tin trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.”