Mô hình nến trong PTKT (phần 1): Định nghĩa, các loại nến Nhật cơ bản.

Mô hình nến hay đồ thị dạng nến được nghiên cứu bởi ông Munehisa Homma (người Nhật) vào khoảng những năm 1724 – 1803. Đây là đồ thị thể hiện sự biến đổi của giá của một loại chứng khoán cụ thể trong một khung thời gian xác định.

Dựa vào mô hình nến và một số chỉ báo khác, các nhà phân tích kỹ thuật có thể dự đoán diễn biến của thị trường trong tương lai.

Trong mỗi cây nến thường có 2 phần chính là thân nến và bóng nến hay bấc nến nằm ở bên trên và bên dưới thân.

Các loại nến Nhật cơ bản
Cấu tạo nến Nhật (nguồn internet)
  • Thân nến nằm giữa mức giá mở cửa và giá đóng cửa. Nếu thân nến có màu trắng hoặc xanh, thị trường đang có xu hướng tăng (bull), giá chứng khoán ở thời điểm đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Nếu thân nến có màu đen hoặc đỏ thì thị trường đang có xu hướng giảm (bear) biểu thị cho mức giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa.
  • Bóng nến nằm giữa giá cao nhất hoặc thấp nhất trong 1 phiên giao dịch.

Ý nghĩa của nến Nhật

Mô hình nến Nhật thể hiện được hành vi giá của phe mua và phe bán trên thị trường. Khi đi phân tích mô hình này sẽ cho trader biết được phe mua hay phe bán đang chiếm ưu thế. Từ đó có thể đưa ra quyết định vào lệnh Mua hay Bán. Cụ thể như sau:

– Nếu thấy thân nến xanh dài chứng tỏ phe mua đang áp đảo và ngược lại nếu thấy thân nến đỏ dài là phe bán đang chiếm ưu thế. Thân nến càng dài chứng tỏ áp lực mua bán càng lớn.

– Bóng nến trên và dưới thể hiện được biến động của giá trong một phiên giao dịch.

  • Nếu một cây nến có bóng nến trên dài và bóng nến dưới ngắn thì nó thể hiện phe mua đã cố gắng đẩy giá lên cao nhưng vì lý do gì đó, phe bán đã nhảy vào và đẩy giá giảm trở lại, khiến cho giá đóng cửa gần với giá mở cửa.
  • Nếu một cây nến có bóng nến dưới dài và bóng nến trên ngắn thì nó thể hiện phe bán kiểm soát thị trường và đẩy giá giảm xuống nhưng vì lý do gì đó thì phe mua đã nhảy vào vả đẩy giá lên trở lại, khiến cho giá đóng cửa gần với giá mở cửa.
  • Trường hợp thân nến ngắn, không có bóng nến chứng tỏ phe mua và bán đều không có thời gian chiếm lĩnh thị trường. nếu thấy bóng nến trên và dưới đều cho thấy cả 2 phe đều có thời gian chiếm lĩnh được thị trường.

Hạn chế của mô hình nến Nhật

Mô hình nến Nhật là công cụ phân tích thị trường khá hiệu quả và không thể thiếu đối với các trader. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những mặt hạn chế. Đó là gì thì chúng ta sẽ được biết ngay sau đây:

Có quá nhiều mô hình

Các mô hình nến Nhật tuy đã được thống kê và phân loại nhưng trên thực tế vẫn có số lượng quá nhiều khiến nhà đầu tư không thể nào nhớ hết được các mô hình và dấu hiệu của nó. Điều này khiến cho việc phân tích đôi khi không được hiệu quả.

Không dự báo được xu hướng

Mô hình nến Nhật chỉ cho biết những điều xảy ra trong thời điểm hiện tại. Mà không thể dự đoán được những tình huống xảy ra trong tương lai. Chính vì thế mà người ta chỉ gọi nến Nhật là công cụ chứ không phải một hệ thống cho giao dịch hoàn chỉnh.

Khung thời gian càng nhỏ thông tin càng nhiễu

Theo các pro trader thì khung thời gian càng nhỏ thì thông tin càng dễ sai lệch và có nhiều tín hiệu giả. Do đó, lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư khi giao dịch là phải phân tích đa khung thời gian. Ngoài ra, việc kết hợp với các chỉ báo là điều vô cùng cần thiết.

Các loại nến Nhật cơ bản trong PTKT

Mô hình nến Long versus Short

Trong mô hình nến Long versus Short, độ dài của thân nến tỷ lệ thuận với độ biến động của giá. Thân nến càng dài biến động giá càng lớn và ngược lại.

  • Nến trắng (xanh): Thân càng dài thì sức mua càng mạnh, người mua kỳ vọng cao vào thị trường lên.
  • Nến đen (đỏ): Thân càng dài thì sức bán càng mạnh, người bán kỳ vọng cao vào thị trường xuống.
Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Long versus Short (nguồn internet)

Mô hình nến Marubozu

Hình nến Marubozu biểu thị thị trường đang xác lập xu hướng mua/ bán rất mạnh, nến chỉ có thân mà không có bóng (body without shadow).

  • Nến Marubozu màu trắng (xanh): bên mua mạnh hơn.
  • Nến Marubozu đen (đỏ): bên bán mạnh hơn.
Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Marubozu (nguồn internet)

Mô hình nến Spinning top

Spinning top là mô hình gồm những cây nến có thân ngắn, bóng nến trên và dưới có chiều dài bằng nhau. Thân ngắn mà bóng dài tức là tranh chấp giữa bên mua và bên bán vẫn đang diễn ra, chưa phân thắng bại: Phe mua kéo giá lên cao hơn còn phe bán đẩy giá xuống thấp.

Spinning top có thể giai đoạn củng cố hoặc đoạn cuối của một xu hướng tăng/ giảm.

Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Spinning top (nguồn internet)

Mô hình nến Doji

Mô hình nến Doji xuất hiện khi mức giá đóng cửa xấp xỉ mức giá mở cửa. Lúc này, thân nến rất ngắn hoặc không có thân, bóng nến có thể dài ngắn, nến giống như chữ thập.

Mẫu nến Doji thể hiện sự đấu tranh giữa người mua và người bán khiến cả 2 bên đều không lợi nhuận. Doji đứng một mình là tín hiệu trung lập. Tuy nhiên, nó có thể được tìm thấy trong các mô hình đảo chiều như Bullish Morning Star và Bearish Evening Star.

Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Doji (nguồn internet)

Mô hình nến Dragonfly Doji (Chuồn chuồn)

Đây là mô hình nến đơn, không bóng nến trên và thân nến (giá đóng cửa bằng giá mở cửa và cũng là giá cao nhất trong phiên), bóng dưới dài. Nếu nó xuất hiện trong xu hướng giảm thì đó có thể là tín hiệu dự báo thị trường sắp đảo chiều thành xu hướng tăng.

Mô hình Dragonfly Doji thể hiện bên mua chiếm ưu thế từ khi mở cửa đến tận cuối phiên giao dịch và sẽ duy trì lợi thế đến phiên giao dịch sau. Bóng dưới càng dài thì lực mua mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng lớn.

Mô hình nến Gravestone Doji (Bia mộ)

Tương tự như Dragonfly Doji, Gravestone Doji cũng là mô hình nến đơn. Song mô hình này chỉ có bóng nến trên, không có bóng nến dưới và thân nến (giá đóng cửa bằng giá mở cửa và cũng là giá thấp nhất trong phiên). Nếu Gravestone Doji xuất hiện trong xu hướng tăng thì đó có thể là tín hiệu dự báo thị trường sắp đảo chiều thành xu hướng giảm.

Mô hình Gravestone Doji thể hiện bên bán chiếm ưu thế hoàn toàn từ khi mở cửa đến tận cuối phiên giao dịch và sẽ duy trì lợi thế đến phiên giao dịch sau. Bóng trên càng dài thì lực bán mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng lớn.

Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Dragonfly Doji (Chuồn chuồn) và Gravestone Doji (Bia mộ) (nguồn internet)

Mô hình nến Hammer and Hanging man

Nến Hammer hoặc Hanging man có phần thân ngắn, bóng nến trên cũng ngắn hoặc không có, bóng nến dưới rất dài.

Mô hình nến Hammer thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, mang tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực hồi phục của giá, áp lực bán đã kết thúc. Mẫu nến Hammer có thể là xanh hoặc đỏ. Nếu đỏ thì tín hiệu đảo chiều sẽ yếu hơn.

Ngược lại với nến Hammer, nến Hanging man thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên bên bán cũng có một số lượng lớn nhà đầu tư đang bán tháo tạo ra bóng nến rất dài, cảnh báo thị trường có thể đảo chiều. Nến Hanging man có thể có màu xanh hoặc đỏ, nến xanh hàm ý tín hiệu yếu hơn so với nến màu đỏ.

Các loại nến Nhật cơ bản
Mô hình nến Hammer and Hanging man (nguồn internet)

Xem thêm:

Mô hình nến trong PTKT (phần 2): https://nhadautu79.com/mo-hinh-nen-trong-ptkt-phan-2-price-action-va-cac-van-de-lien-quan/

You cannot copy content of this page