Quan trọng hay không quan trọng.

“Post hoc ergo propter hoc” là một thuật ngữ tiếng Latinh, có nghĩa là “sau điều đó, vì điều đó”. Đây là một loại ngụy biện mà ta mặc định rằng cái gì xảy ra sau đó là kết quả của sự kiện xảy ra trước đó.

Nhà đầu tư chứng khoán thường mắc phải loại ngụy biện này, khi họ dựa vào những tin tức xung quanh thị trường và các sự kiện để đưa ra quyết định đầu tư. Ví dụ, khi Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhiều nhà đầu tư có thể tin rằng sự kiện này sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và bán cổ phiếu của họ, trong khi thực tế tác động của việc bắt Trịnh Văn Quyết lên thị trường chứng khoán có thể không đáng kể.

Các sự kiện lớn như lãnh đạo công ty chứng khoán bị bắt hay ông Trump lên làm tổng thống cũng thường được đưa ra như là nguyên nhân của sự thay đổi trên thị trường, nhưng thực tế lại phức tạp hơn vậy.

Việc thị trường tăng hay giảm cũng không thể được giải thích đơn giản chỉ bằng một sự kiện xảy ra cùng ngày hay cùng một tuần. Thị trường phản ánh sự phức tạp của nhiều yếu tố và tác động của nhiều sự kiện, và đầu tư chứng khoán cần có sự phân tích kỹ lưỡng để đưa ra quyết định chính xác.

Những kiểu suy luận ở trên tuy không hoàn toàn sai nhưng chắc chắn là nó không đúng. Những diễn biến ở trước chỉ là một trong số những yếu tố tác động (thậm chí có một số không hề tác động) đến những yếu tố sau. Quan hệ ở trên là quan hệ liên quan chứ không phải là quan hệ nhân quả. Ở một môi trường như thị trường chứng khoán nơi mà thông tin vô cùng nhiều và nhiễu loạn, việc lật đi lật lại vấn đề để tránh những ngộ nhận như trên là vô cùng quan trọng với nhà đầu tư.

Từ đầu tháng 4 đến nay Vni-index đã giảm 24% từ đỉnh. Việc lý giải nguyên nhân bán tháo của thị trường có thể dễ dàng tìm được chỉ bằng 1 cú click chuột, tuy nhiên hãy thử ngồi xem lại một số nguyên nhân khiến chúng ta lo lắng có thật sự tồi tệ như chúng ta đang nghĩ:

Nỗi lo lạm phát: Cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt, chi phí logistic tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng v.v.. khiến lạm phát ở Mỹ và Châu Âu cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nhiều người cho rằng Việt Nam là một nước có nền kinh tế mở nên việc nhập khẩu lạm phát là khó tránh khỏi. Tuy nhiên CPI bình quân 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2.25%, nguyên nhân chủ yếu do nhóm lương thực thực phẩm (chiếm trọng số lớn trong rổ tính CPI) không tăng giá nhiều. Trong những tháng còn lại của năm 2022 có thể giá lương thực có thể tiếp tục tăng nếu giá xăng còn neo cao nhưng khó có thể tăng mạnh, do Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nên chúng ta có thừa nguồn lực để ổn định giá cả trong nước, hơn nữa việc giá vật liệu xây dựng có xu hướng giảm sẽ giúp làm chậm đà tăng của CPI.

Nguồn : tổng cục thống kê

Với tình hình hiện tại, mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2022 khó có thể đạt được tuy nhiên cũng không nhiều khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng lên mức hai con số như thời kỳ tín dụng tràn lan năm 2008-2010. Mức lạm phát được dự báo trong năm nay là quanh 5%,  theo Agriseco Research thống kê trong 22 năm kể từ năm 2000, kinh tế Việt Nam đã trải qua 81 tháng có mức CPI từ 5- 10%, trong các tháng này VN-Index tăng trưởng trung bình 2,71%/tháng – cao nhất so với các mức độ lạm phát khác. Như vậy việc bi quan thái quá của thị trường là không có cơ sở.

Lãi suất tăng và ngân hàng nhà nước hút tiền : Do lạm phát tăng nên việc lãi suất tiền gửi nhích tăng là điều dễ hiểu để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Về lý thuyết việc này có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư sẽ sẵn lòng rút tiền về gửi tiết kiệm. Tuy nhiên đó là xét trong bối cảnh thị trường chứng khoán không sinh lợi nhuận, các doanh nghiệp niêm yết kinh doanh sa sút và không chỉa cổ tức. Trong bối cảnh lạm phát vừa phải, sẽ kích thích người dân tăng đầu tư để chống lại sự mất giá của đồng tiền. Vì thế dòng tiền hoàn toàn có thể “quay đầu” nhanh chóng khi thị trường bật tăng.

Về lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cam kết vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất – kinh doanh. Tất nhiên trong thời gian tới dưới áp lực của tỷ giá cũng như lạm phát, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là khó tránh khỏi nhưng sẽ không nhanh như thế giới.

Động thái thời gian gần đây khi ngân hàng nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền về (hút ròng gần 50.000 tỷ đồng trong 3 phiên gần nhất) không gì ngoài việc giảm bớt dư thừa cung tiền trong bối cảnh room tín dụng chưa thể tăng ngay làm giảm áp lực lạm phát. Cùng với việc bán ra 12 tỷ USD trong hơn 110 USD dự trữ ngoại hối cho thấy quyết tâm hạ nhiệt tỷ giá, gián tiếp giúp cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam không bị ảnh hưởng.

Kênh tín phiếu bị “đóng băng” suốt từ trung tuần tháng 6/2020 đến nay 

SBV đang phát đi tín hiệu “ngành ngân hàng vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh. tế”, như phó thống đốc Đào Minh Tú từng nói.

Về tăng trưởng Tổng cục Thống kê cho hay tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 và đây là mức tăng cao so với quý 1 của các năm 2021-2020,  đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất so cùng kỳ từ trước đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất so cùng kỳ các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2022 chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6.5%. Điểm lại một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Tuy nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên để câu chuyện suy thoái bên kia bán cầu tác động quá nhiều đến tâm lý. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có đến 90% nhà đầu tư là cá nhân và nhỏ lẻ, yếu tố tâm lý đôi khi lại là nguyên nhân chính cho mỗi đợt “tăng – giảm” của thị trường.

Chiến tranh là một trong số những yếu tố gây nên tình trạng bất ổn hiện tại của nền kinh tế thế giới, nhưng chiến tranh sớm muộn nó cũng sẽ kết thúc, và biết đâu cái cách nó kết thúc cũng bất ngờ như cái cách nó bắt đầu. Xin được sử dụng lời khuyên của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett thay cho lời kết: “Chiến tranh à, hãy nghĩ đến mua cổ phiếu”.

-nhadautu79-

 

 

You cannot copy content of this page