Sau cơn mưa trời lại sáng …..

Sau 1 năm chống chọi với đại dịch covid-19, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã cho thấy tín hiệu phục hồi trong Quý 1/2021. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng virus mới và việc triển khai vaccine còn đình trệ do thiếu nguồn cung là những mối nguy cơ mới dẫn đến sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia. Kinh tế Mỹ phục hồi tốt nhờ chính sách tiêm chủng và các chương trình hỗ trợ đạt hiệu quả (Duy trì quan điểm cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời, Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 – 0,25% và mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp). Kinh tế Trung Quốc hồi phục ấn tượng trong Quý 1/2021. Tuy nhiên, sản xuất và dịch vụ trong Quý 2 còn gặp nhiều bất trắc trước tình hình lạm phát gia tăng. Châu Âu tiếp tục suy giảm kinh tế trong Quý 1/2021 do dịch bệnh tái bùng phát. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế đã sáng lên trong Quý 2 nhờ tiến trình tiêm chủng được thúc đẩy, số ca mới và nhập viện giảm mạnh, tạo điều kiện cho nhiều quốc gia châu Âu mở cửa trở lại. Vắc-xin được triển khai trên diện rộng mang đến hy vọng đại dịch sẽ kết thúc, tuy nhiên bất định về biến thể mới và tốc độ triển khai tiêm và chấp nhận tiêm vắc-xin khiến các dự báo về lộ trình phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn. Theo dự báo mới nhất của ngân hàng thế giới Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng lần lượt ở các mức 5,4%, 6,8% và 8,6% trong năm 2021. Ngược lại, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển –ngoại trừ Trung Quốc – sẽ tăng trưởng 4,4% trong khi các quốc gia thu nhập thấp chỉ tăng trưởng bình quân 2,2% trong năm.
Thấy gì từ những con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2020? | VTV.VN

Kinh tế Việt Nam đang bước qua những lằn ranh kỳ lạ….

Trải qua 17 tháng chống dịch trong đó hiệu quả chống dịch rất cao ở 3 đợt dịch covid đầu tiên giúp kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng kể từ Quý 3/2020. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% (yoy) trong Quý 2/2021, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (0,36%, yoy). Trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 3,82% , khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% và khu vực dịch vụ tăng 3,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 bùng phát lần 4 trong giữa và cuối Quý 2 đã tiếp tục làm giám đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đang bùng phát dịch. Kể từ đầu tháng 5, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị trói chân trói tay bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế vi-rút lây lan trong cộng đồng.  Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế . Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vắc-xin vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch COVID-19 năm 2020. Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra.

Những diễn biến trên đang tác động phần nào đến thị trường chứng khoán cũng như tâm lý nhà đầu tư…

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 Vni-index nằm trong top chỉ số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới ( mức tăng trưởng gần 30% tính từ đầu năm đến tháng 7/ 2021). Động lực chính đến từ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 80% giá trị giao dịch) với thanh khoản giao dịch bình quân hơn 17 ngàn tỷ gấp 3 lần bình quân năm 2020. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2021 thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh (cùng với những diễn biến xấu của dịch covid lần 4 trong nước), với mức giảm có lúc lên đến 14% cho chỉ số vni-index, dòng tiền dần rời bỏ nhóm cổ phiếu trụ, bluechips và hướng đến nhóm mid-cap và small –cap điều này cho thấy nhà đầu tư trong nước đã có những lo ngại rất lớn vào tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, niềm tin vào việc duy trìu tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng đầu không còn, thay vào đó nhà đầu tư đặt cược vào những doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn được hưởng lợi từ một số yếu tố ngắn hạn (như giá hàng hóa dịch vụ tăng, nhu cầu bùng nổ trong ngắn hạn v.v..). Không chỉ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy những tín hiệu tiêu cực khi khối ngoại cũng liên tục bán ròng trong 8 tháng đầu năm với giá trị bán ròng gần 32 ngàn tỷ đồng.

Nhà đầu tư lo lắng là điều dễ hiểu, trong đầu tư việc lo lắng giúp cho việc ra quyết định trở nên cẩn trọng hơn và rủi ro phần nào được hạn chế bởi những quyết định được cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên trong thời đại mà thông tin được lan truyền đi rất nhanh như hiện nay, cảm xúc (trong đầu tư) của người này hoàn toàn có thể tác động đến người khác chỉ với một cú click chuột, một nhà đầu tư rất dễ bị cảm xúc tiêu cực lấn át nhất là đối với nhưng nhà đầu tư mới tham gia thị trường (hay còn gọi là F0). Thử cùng nhìn lại thị trường xem bức tranh có thực sự quá tối màu:

Theo bloomberg Vni-index đang giao dịch với P/E là 16 lần , mức P/E này là không cao xấp xỉ với P/E bình quân 5 năm trở lại đây. Trên bình diện khu vực thị trường chúng ta đang có định giá luôn discount từ 20 đến 25% , nguyên nhân do tỷ lệ tiếp cận thị trường chứng khoán của người dân Việt Nam luôn thấp hơn và thu nhập bình quân đầu người của chúng ta thấp hơn khiến định giá của chúng ta luôn rẻ hơn và điều này có thể sớm được cải thiện trong tương lai. Khối ngoại liên tiếp rút ròng trong thời gian qua liên quan đến xu hướng rút ròng khỏi thị trường mới nổi và cận biên của dòng tiền lớn trên toàn thế giới, dòng tiền này sẽ trở về mẫu quốc khi xuất hiện những biến động lớn của kinh tế và xu hướng này sẽ sớm nghịch đảo khi mà tình hình ở các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi. Hơn nữa với thanh khoản luôn duy trì ở mức cao như thời gian qua, lượng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của khối ngoại không có quá nhiều tác động. Chưa bao giờ lạm phát thôi trở thành đề tài bàn tán của các “chuyên gia đầu tư” khi mà chỉ số này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất thực của quá trình đầu tư mà nó còn là yếu tố quan trọng khi các chỉnh phủ xem xét đưa ra các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hay thắt chặt. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi mà tổng cầu suy giảm nghiêm trọng cùng với việc vòng quay của tiền chậm lại trong nền kinh tế  suy yếu suy yếu vì đại dịch, áp lực lên lạm phát là không lớn và chỉ có một số đợt tăng giá cục bộ do nhu cầu đột biến ở một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Chính việc lạm phát ổn định và duy trì ở mức thấp (8 tháng đầu năm CPI trung bình mới chỉ đạt 1.8% và tăng trưởng CPI chỉ là 2.8% trong tháng 8) sẽ hỗ trợ cho chính phủ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế. Đã có 85 ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm, tăng 24.2% so với cùng kỳ 2020 (theo tổng cục thống kê) . Trong quý III và thậm chí là quý IV/2021 GDP tăng trưởng âm hoặc chậm lại đáng kể đang nằm trong dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, những câu chuyện khó khăn của các doanh nghiệp luôn được nhắc đến. Khó khăn là điều chắc chắn, tuy nhiên thị trường chứng khoán ở một khía cạnh nào đó không phản ánh hoàng toàn nền kinh tế (hay không hẳn là phong vũ biểu của kinh tế). Thực chất đây là nơi tập hợp phần lớn các doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế và khả năng chống chọi với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp này luôn tốt hơn rất nhiều so với phần còn lại của nền kinh tế. Chưa kể, theo nhận định của đa số nhà kinh tế, việc phục hồi sau đại dịch sẽ theo mô hình chữ K , tức là những doanh nghiệp yếu sẽ nhanh chóng rời bỏ “sàn đấu” còn những doanh nghiệp vững mạnh với tiềm lực lớn và  có những “con hào kinh tế” vững mạnh bao quanh sẽ tiếp tục chiếm lĩnh và mở rộng thị phần, ngày càng phát triển nhanh và vững mạnh sau đại dịch. Các tín hiệu về “Tapering” của Fed đã xuất hiện và quá trình này được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ vào năm 2022. Cùng với những nhịp kết thúc gói QE và tapering làm dấy lên lo ngại nhịp điều chỉnh của chứng khoán toàn cầu chắc chắn sẽ diễn ra như những đợt taper trước đó của Fed (thường nhịp điều chỉnh sẽ quanh 10%). Nhưng thử nghĩ mà xem, dù có taper hay không thì năm nào thị trường chả có nhịp điều chỉnh ???
Những hoạt động của Đảng, Nhà nước đã thu được một số kết quả đáng phấn  khởi | Tạp chí Tuyên giáo

Không có lý do gì để không tin vào một ngày mai tươi sáng ….

Theo thống kê sau mỗi cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới sẽ luôn nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước khủng hoảng, chẳng thế mà trong thư gửi cổ đông năm 2021 huyền thoại đầu tư Warren Buffett không quên nhắc nhở nhà đầu tư “đừng nên đặt cược chống lại nước Mỹ” như một thông điệp thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ở Việt Nam rồi dịch bệnh cũng sẽ kết thúc, dòng tiền nóng tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ phần nào được rút ra để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đó lại là tiền đề cho một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới. “Covid-19 quét qua toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam như một cuộc sàn lọc mạnh tay và đào thải đớn đau với các doanh nghiệp. Luật tiến hoá thật khắc nghiệt nhưng nó mang lại sự phát triển. Những công ty, tổ chức không trụ được đã bị giải thể, phá sản nhưng bên cạnh đó cũng có hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới cũng như rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thức hoạt động một cách thành công” -(theo PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo) Với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là 40-45% trong năm nay, từ 20 đến 25% trong năm 2022 và có thể cao hơn trong những năm tiếp theo, dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng quay trở thị trường, chứng khoán sẽ lại nhanh chóng phục hồi và hướng đến những đỉnh cao mới. Việt Nam đang là một trong những nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới, tầng lớp này đang có nhu cầu tích sản cao trong khi kênh đầu tư chứng khoán đang dần chứng minh là một kênh đầu tư rất hấp dẫn (trong vòng 10 năm qua tốc độ tăng trung bình của vni-index là 12% tương đương với tốc độ tăng giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh trong cùng giai đoạn). Với lợi thế là tính thanh khoản cao và yêu cầu vốn không quá lớn, thị trường chứng khoán với con số 3 triệu tài khoản hiện nay (với thực giao dịch chỉ khoảng 1 triệu tài khoản) là quá ít so với khu vực và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Trong đầu tư chứng khoán, lòng tham và sự sợ hãi của con người luôn đẩy thị trường biến động theo hướng cực hạn (lúc thì quá hưng phấn, lúc lại quá bi quan). Kỹ năng đặt ra các giả thuyết để có thể kịp thời ứng phó với các diễn biến thị trường là một kỹ năng cần thiết của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên việc kiểm soát cảm xúc trong đầu tư cũng quan trọng không kém, những góc nhìn khách quan và đa chiều sẽ luôn giúp nhà đầu tư giữ được cái đầu lạnh giúp nâng cao hiệu quả đầu tư. “Đầu tư nghe có vẻ đáng sợ, nhưng không hẳn là như vậy. Khả năng trụ vững qua những lần thị trường sụt giảm và tỉnh táo khi đang ở đỉnh cao là điều mà mọi nhà đầu tư mới tham gia đầu tư chứng khoán cần phải có được”. Xin mượn lời của một vị lãnh đạo công ty chứng khoán để thay cho lời kết.

-nhadautu79-

You cannot copy content of this page