Phiên giao dịch ngày 07/02 đánh dấu phiên tăng điểm thứ 4 phiên liên tiếp của VN-Index. Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn có phần dè dặt khi chỉ số chủ yếu được nâng đỡ bởi một số cổ phiếu ngân hàng, trong khi dòng tiền chưa thực sự lan tỏa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc thị trường duy trì được đà tăng nên được xem là tín hiệu tích cực. Khi cơ hội đủ hấp dẫn, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại, thúc đẩy sự sôi động của thị trường.
Không chỉ thị trường tăng điểm, mà những thông tin trong ngày cũng mang đến nhiều tín hiệu lạc quan
——————————————————————————————————————————————–
Nội dung
Chính phủ điều chỉnh tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8%, với kỳ vọng tạo nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương được yêu cầu đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8-10%, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Để thực hiện các mục tiêu này, cần phát huy vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Việc chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP lên tối thiểu 8% cho năm 2025 thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế với một mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức trung bình những năm gần đây. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán tất nhiên được hưởng lợi. Và đây cũng có thể là điểm tựa tâm lý cho nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Bên cạnh tin tích cực là một thông tin không mấy lạc quan …
81.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 1/2025, thấp nhất gần 2 năm
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 1/2025, nhà đầu tư trong nước đã mở thêm gần 81.000 tài khoản chứng khoán, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, đặc biệt do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc tham gia thị trường. Tính đến cuối tháng 1, tổng số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 9,3 triệu, tương đương khoảng 9% dân số, vượt mục tiêu 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và tiến tới mục tiêu 11 triệu vào năm 2030. Trong cùng tháng, VSD cũng đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 148 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 15 tổ chức và 133 cá nhân. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm sút, với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 12.836 tỷ đồng, giảm 20,7% so với tháng 12/2024 và 42,4% so với mức bình quân năm trước. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 3.059,4 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.486,1 tỷ đồng trong tháng này.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư, khi thị trường không còn là lựa chọn hấp dẫn như trước. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, dòng tiền đang đứng ngoài có thể trở thành lực cầu tiềm năng trong tương lai. Khi tâm lý thị trường cải thiện, đây có thể là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư đã sớm tham gia và nắm giữ vị thế.
Và câu chuyện khối ngoại bán ròng lại tiếp tục là một vấn đề đáng lưu ý trong năm mới…
Khối ngoại lại xả hàng mạnh, bán ròng gần 1.000 tỷ trong phiên cuối tuần
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/2/2025, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh với tổng giá trị hơn 994,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm 376,6 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng nhiều nhất bao gồm MWG, VCB, DGC, STB, FRT, VRE, MSN, VHM, và HCM. Ngược lại, khối ngoại mua ròng ở các mã như CTG, FPT, VIC, PC1, SHB, KBC, VCG, VCI, VGC, và GVR. Mặc dù vậy, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, với các mã như CTG, TCB, và BID tăng mạnh, đóng góp gần 3 điểm cho VN-Index, giúp chỉ số này tăng 3,72 điểm, đạt mức 1.275 điểm. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện, với tổng giá trị khớp lệnh trên ba sàn đạt gần 17.000 tỷ đồng.
(nguồn tổng hợp)