Vni-index đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua ngưỡng cản lịch sử vùng 1,200 điểm. Đây là ngưỡng cản tâm lý và kỹ thuật đã tồn tại gần 14 năm trên thị trường, nó như một hòn đá tảng đè nặng lên thị trường chứng khoán non trẻ vừa bước sang tuổi 21 của Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 – 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Trong năm 2020 chúng ta thậm chí còn góp mặt trong top 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới nhờ việc hạn chế được tối đa tác động tiêu cực từ dịch bệnh covid-19. Nếu nói thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế thì một cột mốc chỉ số được thiết lập cách đây 14 năm không thể tiếp tục là chỉ dấu cho “độ nhiệt” của nền kinh tế trong giai đoạn này. Nếu muốn trở thành “con hổ kinh tế” của Châu Á và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì dòng vốn ngoại là điều kiện đủ để nền kinh tế Việt Nam đạt được những mục tiêu trên và thị trường chứng khoán là một trong số những kênh thu hút vốn ngoại hiệu quả bên cạnh các kênh khác. Một thị trường chứng khoán phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại.
Xét các điều kiện trong nước, khi dịch bệnh covid-19 bùng phát, các quy định về giãn cách xã hội cùng với cuộc sống bình thường mới khuyến khích người dân làm việc tại nhà khiến số tài khoản mở mới chứng khoán đã tăng lên đáng kể cùng nhu cầu tìm thêm thu nhập của một bộ phận người dân. Nhờ đó có một dòng vốn F0 đã tham gia thị trường, tạm thời chưa nói đến độ “nóng” “lạnh” của dòng vốn này, ít ra điều này đã giúp thêm nhiều người dân tiếp cận được với thị trường. Số tài khoản giao dịch tính đến cuối năm 2020 là gần 2,73 triệu tài khoản, chiếm khoảng 2,3 % tổng dân số Việt Nam. Tuy con số là tích cực tuy nhiên vẫn còn xa so với mục tiêu 5% dân số tham gia chứng khoán đến năm 2025 của chính phủ, trong khi đó ở Trung Quốc 7% dân số đã tham gia thị trường chứng khoán và thậm chí con số này là 50% ở Mỹ, một điều rõ ràng là số người dân Việt Nam tiếp cận được với thị trường còn rất khiêm tốn cùng với đó là cơ hội để các dòng tiền của các F0′ F0” sẽ đổ vào hỗ trợ đà tăng của thị trường trong thời gian tới.
Hiện đang có 5 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các tổ chức tín dụng tính đến tháng 09/2020 theo thống kê của ngân hàng nhà nước, với mặt bằng lãi suất huy động thấp trong giai đoạn hiện tại từ 5%-7% (và xu hướng lãi suất thấp sẽ còn duy trì trong thời gian tới nhằm hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế) khả năng cao sẽ tiếp tục có dòng tiền từ tiền gửi tiếp kiệm chảy vào thị trường chứng khoán và chỉ 1% trong số 5 triệu tỷ kia chảy vào thị trường…. xin nhường lại phần sau cho trí tưởng tượng của chúng ta.
Bên cạnh đó dòng vốn chuyển từ kênh đầu tư bất động sản qua thị trường chứng khoán cũng rất đáng chú ý. Không phủ nhận kênh đầu tư bất động sản luôn là lựa chọn hàng đầu đối với đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ cần thời gian để phục hồi, ít nhất phải đến năm 2022 (theo góc nhìn thận trọng tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam – VRES 2020). Xin không đi sâu vào nguyên nhân hay tìm hiểu lý do, chỉ biết rằng nguyên tắc dòng tiền đầu cơ là chỗ nào có tỷ suất sinh lợi cao hơn tiền sẽ đổ vào đó, và hiện tại kênh chứng khoán đang tỏ ra là kênh mang lợi tỷ suất sinh lợi tốt hơn cả. Những nhà đầu tư bất động sản với khối tài sản tính bằng ít nhất 9 số không đằng sau cũng thừa biết điều này và việc họ ngày càng chú ý đến thị trường chứng khoán không có nhiều bất ngờ.
Trong giai đoạn năm 1981 chỉ số công nghiệp Dow jones của Mỹ chỉ ở mức 1000 điểm và thậm chí chỉ còn 776 điểm vào năm 1982, trong vòng 40 năm cho đến khi viết bài này chỉ số này đang tiệm cận ở mức 32.000 điểm tức là tăng trưởng hơn 32 lần. Tất nhiên sẽ là khập khiễng nếu so sánh Việt Nam và Mỹ tuy nhiên đây là dẫn chứng sinh động cho việc bất kỳ việc gì cũng có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Theo đó cũng sẽ không quá bất ngờ nếu trong vòng 5 năm tới Vni-index đạt mốc 3000 hoặc thậm chí 5000 điểm, và tại sao chúng ta lại lo sợ ở mức 1200 điểm bé nhỏ này. Nếu đang đứng trước cơ hội lịch sử thay vì ngồi nhìn để nó trôi qua trong tiếc nuối, tại sao ta không tham gia để về sau có thể tự hào kể lại rằng chính chúng ta đã là những nhà đầu tư đã trải qua giai đoạn này và nếu chúng ta không thể trở thành nhà đầu tư huyền thoại thì ít ra chúng ta cũng sẽ có một cuộc sống an yên và thoải mái hơn cho gia đình và bản thân trong những tháng ngày mai sau.
-nhadautu79-“THƯỜNG THÌ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI KHÔNG NẰM Ở VIỆC AI CÓ KHẢ NĂNG HAY Ý TƯỞNG TỐT HƠN MÀ Ở LÒNG CAN ĐẢM ĐỂ ĐÁNH CƯỢC CHO Ý TƯỞNG CỦA MÌNH, ĐỂ CHẤP NHẬN RỦI RO ĐÃ ĐƯỢC TÍNH KỸ VÀ HÀNH ĐỘNG” – Maxwell Maltz-