Tín dụng tháng 1/2024 tăng trưởng âm

Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13.71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0.6% so với cuối năm 2023.

Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm 2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6.95%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10.29%; ngành thương mại dịch vụ tăng 15.83%.

Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, đến cuối năm 2023, tín dụng lĩnh vực NNNT tăng 11.56%; tín dụng đối với DNNVV tăng 13.61%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 6.57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lần lượt tăng 26.18% và 17.52%. Tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát.

Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối năm 2023 tăng 7.83% so với cuối năm 2022, chiếm 21.19% dư nợ nền kinh tế. Về tín dụng chính sách tại NHCSXH đến 31/01/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 336,431 tỷ đồng, tăng 1.36% so với tháng 12/2023, với gần 6.9 triệu khách hàng còn dư nợ (cuối năm 2023 tăng 17%).

Kết quả một số chương trình, chính sách tín dụng

Chương trình cho vay 15,000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6,000 lượt khách hàng vay vốn.

Chương trình 120,000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các NHTM đã giải ngân cho 06 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4.5 tỷ đồng.

Chương trình tín dụng 20,000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) và 02 công ty tài chính HDSaison và FECredit đã giải ngân cho công nhân khoảng 10,056 tỷ đồng.

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023 có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.5 nghìn tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, lũy kế số tiền HTLS từ đầu chương trình đến 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chính sách theo quy định) đạt khoảng 1,218 tỷ đồng cho gần 2,300 khách hàng.

“Tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây”,

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận xét. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó.

“Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ ‘room’ tín dụng toàn bộ ngay từ đầu năm, rất rộng rãi. Tín dụng giảm trong tháng 1 không phải do cơ chế chính sách”, Phó thống đốc khẳng định.

Đầu tháng 2, khi kết quả tăng trưởng tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng phải đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành cũng yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng nhiều lần có các công điện về việc đẩy vốn ra nền kinh tế.

(nguồn tổng hợp)

 

You cannot copy content of this page