Một tòa án liên bang hôm thứ Tư đã ra phán quyết rằng Tổng thống Donald Trump đã vượt quá thẩm quyền khi áp đặt các mức thuế trả đũa, qua đó giáng một đòn mạnh vào một trong những trụ cột chính trong chính sách kinh tế của ông.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán tại Tòa án Thương mại Quốc tế (Court of International Trade) tuyên bố rằng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA), vốn được ông Trump viện dẫn để biện minh cho các mức thuế, thực chất không trao cho tổng thống quyền đơn phương áp đặt các loại thuế rộng khắp như vậy.
“Các lệnh áp thuế mang tính toàn cầu và trả đũa vượt quá bất kỳ thẩm quyền nào mà IEEPA trao cho tổng thống trong việc điều chỉnh nhập khẩu thông qua thuế quan,” các thẩm phán viết trong bản án.
“Các mức thuế được gọi là để chống buôn lậu không giải quyết được mối đe dọa được nêu trong các sắc lệnh đó,” họ nhấn mạnh thêm.
Ngay sau thông tin về phán quyết này, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones tăng vọt 500 điểm.
Thông thường, việc áp thuế đòi hỏi phải có sự phê duyệt của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Trump đã chọn cách bỏ qua Quốc hội bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia và sử dụng điều này làm cơ sở để tự mình áp đặt các mức thuế.
Chính quyền Trump ngay lập tức kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ.
“Việc các quốc gia nước ngoài đối xử thiếu tương hỗ với Hoa Kỳ đã dẫn đến các thâm hụt thương mại lịch sử và kéo dài,” người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai tuyên bố sau khi tòa ra phán quyết.
“Các thâm hụt này đã tạo ra một tình trạng khẩn cấp quốc gia khiến các cộng đồng Mỹ bị suy tàn, người lao động bị bỏ rơi, và nền công nghiệp quốc phòng suy yếu – những điều mà tòa án không bác bỏ.”
“Không phải là nhiệm vụ của các thẩm phán không được bầu chọn để quyết định cách xử lý một tình trạng khẩn cấp quốc gia,” Desai nói thêm.
Tổng Chưởng lý bang Oregon, ông Dan Rayfield, một trong những nguyên đơn chính trong vụ kiện, gọi phán quyết là “một chiến thắng không chỉ cho Oregon, mà cho các gia đình lao động, doanh nghiệp nhỏ và người dân Mỹ.”
“Các mức thuế khắt khe của Tổng thống Trump là bất hợp pháp, liều lĩnh và tàn phá nền kinh tế,” Rayfield phát biểu tối thứ Tư. “Chúng đã dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các nước khác, làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu và đè nặng lên vai các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà sản xuất Mỹ.”
Phán quyết và kháng cáo mở ra trận chiến pháp lý có thể kéo dài đến Tối cao Pháp viện
Vụ kiện được khởi kiện bởi năm doanh nghiệp Mỹ có hoạt động nhập khẩu. Các thẩm phán tuyên bố rằng các sắc lệnh thuế quan của ông Trump là “bất hợp pháp với tất cả”, chứ không chỉ với các nguyên đơn, do đó “không có chuyện áp dụng biện pháp khắc phục hẹp cho riêng ai”.
Tòa án ra lệnh hủy bỏ các mức thuế bị thách thức và cấm vĩnh viễn việc thực thi chúng.
Ông Trump vào ngày 2/4 đã công bố một loạt thuế quan mang tính trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Vài ngày sau, vào ngày 9/4, ông ban hành lệnh tạm hoãn 90 ngày, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế nền 10% đối với hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
Một trong những vấn đề khiến hội đồng thẩm phán không đồng tình là: họ không thấy được mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng khẩn cấp mà ông Trump tuyên bố và hành động thực tế là áp thuế.
Ví dụ, các thẩm phán chỉ ra thuế 25% áp lên Canada và Mexico, cùng với thuế 10% áp lên Trung Quốc – được ông Trump biện minh là nhằm trừng phạt các quốc gia không ngăn chặn ma túy và tội phạm ma túy.
Nhưng tòa nhận thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa mục tiêu chống buôn lậu và biện pháp áp thuế đối với hàng nhập khẩu hợp pháp.
“Việc cơ quan Hải quan thu thuế đối với hàng nhập khẩu hợp pháp rõ ràng không liên quan đến việc các chính phủ nước ngoài có đang ‘bắt giữ, ngăn chặn hoặc truy bắt’ tội phạm trong lãnh thổ của họ hay không,” phán quyết nêu rõ.
(Theo CNBC)