Ổn định tỷ giá luôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và ngân hàng nhà nước trong điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, sẽ có những giai đoạn biến động tỷ giá trở nên khó kiểm soát và có những diễn biến không theo ý chí của nhà điều hành.
Nội dung
Mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát
Theo lý thuyết kinh tế học vĩ mô, trong nền kinh tế mở, tác động của chính sách tỷ giá đến lạm phát theo ba kênh truyền dẫn sau:
Kênh thứ nhất: Tác động của tỷ giá tới lạm phát qua xuất khẩu ròng, đó là khi đồng nội tệ giảm giá so với đồng tiền nước ngoài, xuất khẩu ròng tăng lên, cán cân thương mại có thể được cải thiện. Do xuất khẩu ròng là một thành phần của tổng cầu AD, nên khi xuất khẩu ròng tăng, đường AD dịch chuyển lên trên (trong mô hình AD-AS), tác động làm lạm phát gia tăng.
Kênh thứ hai: Tác động của tỷ giá tới lạm phát qua cán cân thanh toán. Cơ chế truyền dẫn này trải qua hai giai đoạn:
[i]. Khi tỷ giá tăng, xuất nhập khẩu ròng sẽ tăng lên, góp phần cải thiện tình trạng cán cân thương mại. Mặt khác khi xuất nhập khẩu ròng tăng, đường IS dịch chuyển sang phải (mô hình IS-LM), lãi suất trong nước tăng lên, trong ngắn hạn luồng vốn đổ vào trong nước tăng (nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp) làm cán cân vốn tăng lên, từ đó cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện. [ii]. Khi cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, tức là luồng vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng lên, lúc này sẽ có hai khả năng xảy ra:(1) NHTW sẽ phải cung ứng thêm tiền để mua ngoại tệ nhằm giữ tỷ giá không bị giảm xuống để khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, mặt khác để tăng cường dự trữ ngoại hối quốc gia. Như vậy, tác động không mong muốn là cung tiền tăng lên, đường LM dịch chuyển sang phải (mô hình IS-LM) làm cân bằng tiền hàng trong nền kinh tế thay đổi, lạm phát sẽ tăng lên;
(2) nếu NHTW không vì mục tiêu giữ cho đồng bản tệ được định giá thấp để khuyến khích xuất khẩu và giả định rằng dự trữ ngoại hối đã đủ mức cần thiết và không cần tăng thêm, trong trường hợp cán cân tổng thể thặng dư thì vẫn có một lượng ngoại tệ tăng lên trong nền kinh tế. Với những nước có nền kinh tế bị đôla hóa ở mức độ cao, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế trong trường hợp này vẫn tăng lên vì nó bao gồm hai phần là: Tổng phương tiện thanh toán bằng nội tệ và tổng phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ. Khi tổng phương tiện thanh toán tăng lại gây sức ép lên giá cả và đẩy lạm phát tăng lên.
Kênh thứ ba: Tác động của tỷ giá tới lạm phát qua giá hàng nhập khẩu. Giá hàng nhập khẩu bị tác động bởi hai thành phần là giá nhập khẩu trên thị trường thế giới và tỷ giá danh nghĩa. Khi tỷ giá danh nghĩa tăng làm giá hàng nhập khẩu tăng và ngược lại. Hàng nhập khẩu có thể là hàng hóa phục vụ cho sản xuất trong nước hoặc phục vụ tiêu dùng. Nếu là hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất, khi tỷ giá tăng dẫn đến chi phí các yếu tố đầu vào tăng, sản phẩm đầu ra cũng phải tăng giá. Nếu là hàng nhập khẩu tiêu dùng, khi tỷ giá tăng dẫn đến giá của hàng hóa tính bằng nội tệ tăng lên cũng là một nguyên nhân gây ra lạm phát. Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá hàng nhập khẩu đến lạm phát sẽ biểu hiện rõ hơn khi quốc gia có tỷ lệ nhập khẩu/GDP lớn, còn với những nước có tỷ lệ này nhỏ, dẫn truyền từ sự thay đổi của tỷ giá qua giá hàng nhập khẩu đến lạm phát là không đáng kể
Theo Goldberg và Knetter (1997), những chuyên gia kinh tế đặt nền móng cho nghiên cứu về ảnh hưởng của tỷ giá đến lạm phát cho rằng, có hai kênh truyền dẫn tỷ giá quan trọng đó là truyền dẫn tỷ giá trực tiếp và gián tiếp.
+ Kênh truyền dẫn trực tiếp phụ thuộc vào yếu tố của thị trường nước xuất khẩu. Gọi e là tỷ giá của đồng tiền nội tệ trên một đơn vị đồng ngoại tệ và p* là giá hàng hóa nhập khẩu từ thị trường nước ngoài theo ngoại tệ, thì khi đó e.p* là giá hàng hóa nhập khẩu tính theo đồng nội tệ. Nếu tỷ giá e tăng nhưng giá p* không thay đổi thì giá hàng hóa nhập khẩu theo nội tệ sẽ tăng tương ứng. Kết quả này gọi là truyền dẫn tỷ giá đến giá nhập khẩu. Sự tăng lên trong giá nhập khẩu sẽ truyền dẫn vào giá sản xuất, giá tiêu dùng nếu các doanh nghiệp nhập khẩu tăng giá bán đối với nhà sản xuất hàng hóa cuối cùng, và do đó sẽ làm gia tăng lạm phát (còn gọi là nhập khẩu lạm phát).
+ Kênh truyền dẫn gián tiếp đề cập đến tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế. Một sự giảm sút trong tỷ giá làm cho sản phẩm nội địa rẻ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài và hệ quả là xuất khẩu và tổng cầu sẽ tăng dẫn đến sự tăng lên trong mức giá nội địa. Như vậy, sự giảm sút trong tỷ giá về lâu dài sẽ tác động làm giảm lạm phát.
Về ảnh hưởng của lạm phát đến tỷ giá, khi lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá so với ngoại tệ, có tác động làm gia tăng tỷ giá. Khi lạm phát giảm, đồng nội tệ lên giá so với ngoại tệ, có tác động làm hạ thấp tỷ giá.
Như vậy, tỷ giá là một công cụ của Nhà nước trong việc điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán… Khi tỷ giá tăng, đồng nội tệ thấp giá thì có lợi cho xuất khẩu, có tác động làm gia tăng lạm phát. Khi tỷ giá giảm, đồng nội tệ lên giá thì có lợi cho nhập khẩu, có tác động làm giảm lạm phát. Do đó, tỷ giá có biến động cùng chiều với lạm phát.
Khi tỷ giá tăng mạnh sẽ có tác động thế nào?
Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu khi giá cả cạnh tranh hơn với các nhà cung cấp khác, trong khi các nhà nhập khẩu sẽ chịu chi phí tăng cao. Tuy nhiên cả xuất khẩu và nhập khẩu đều chịu chi phí vận chuyển tăng khi tỷ giá tăng (do chi phí vận chuyển đều tính bằng USD).
Với dòng vốn nước ngoài gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp (cổ phiếu, trái phiếu v.v..) tỷ giá tăng mạnh sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại hơn, dòng vốn có thể quay đầu khi nhà đầu tư nhận thấy xu hướng tăng của tỷ giá sẽ ăn mòn lợi nhuận đầu tư.
Các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp và nhà nước sẽ phình to khi tỷ giá tăng mạnh nếu quy đổi ra đồng nội tệ, việc này làm tăng áp lực trả nợ lên nền kinh tế.
Tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá
Tỷ giá ổn định đã tác động tích cực đến tâm lý của người dân, tâm lý của thị trường tài chính. Người dân, giới đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của đồng Việt Nam, hay đồng Việt Nam được coi trọng. Điều này làm giảm hẳn tình trạng người dân lựa chọn việc cất trữ tài sản của mình bằng việc mua ngoại tệ, góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong xã hội.
Khi tỷ giá ổn định, hàng hóa nhập khẩu ổn định, các mặt hàng có tỷ trọng cao về sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu,… giá cũng ổn định. Không những vậy, các mặt hàng nông sản, thủy hải sản,… thu mua cho xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, thủy sản,… cũng không biến động theo sự biến động của tỷ giá. Diễn biến đó góp phần lớn vào kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng.
Tỷ giá ổn định tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng. Bởi vì, nếu như tỷ giá chỉ cần tăng thêm 1% thôi mỗi năm số nợ của nước ta tính ra nội tệ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.