Làm cách nào để tìm được môi giới chứng khoán tốt?

Dạo gần đây, khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, khắp các diễn đàn và mạng xã hội lại dấy lên câu chuyện bóc phốt những môi giới chứng khoán (tư vấn viên). Khoan nói đến chuyện ai đúng ai sai, chỉ riêng tần suất bóc phốt ngày càng nhiều và việc chỉ trích từ cá nhân đơn lẻ đã trở thành phong trào được nhiều người hưởng ứng đang cho thấy sự bức xúc ngày càng lớn của nhà đầu tư đối với một bộ phận môi giới chứng khoán.

Nguyên nhân một phần do các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh thời gian qua khiến việc nhà tư vấn ngày càng dễ dàng tiếp cận đến khách hàng. Đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại và khả năng ăn nói lưu loát, một người có thể trở thành nhà tư vấn chứng khoán cho hàng trăm thậm chí ngàng ngàn người theo dõi. Chất lượng của tư vấn viên đi xuống tạo ra hệ lụy là nhà đầu tư mất dần niềm tin vào những người tư vấn chuyên nghiệp, đôi khi chỉ sau một sai sót nhỏ cũng khiến nhà đầu tư cho rằng tư vấn viên không phải là người “tử tế”. Điều này vô tình cũng khiến nhà đầu tư bỏ qua cơ hội làm việc với một nhà tư vấn tốt. (Phải nói thêm ở đây, khác với hầu hết công việc khác, đầu tư chứng khoán không bao giờ có chuyện thắng lợi 100%, luôn có sai số trong mỗi lần đầu tư và xác suất đúng chỉ được nâng dần theo thời gian).

Trong giới hạn bài viết, tôi không muốn nói nhiều đến chất lượng của tư vấn viên và càng không đủ khả năng “dạy” các đồng nghiệp phải làm thế nào cho đúng. Tôi chỉ muốn giúp các nhà đầu tư sau khi đọc xong bài viết có thể phần nào hiểu được tư vấn viên bạn đang làm việc liệu có đủ TÂM hay chưa. Còn chuyện đủ TẦM sẽ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi nhà đầu tư.

Trước hết 

Cần phải thống nhất với nhau về vai trò vô cùng quan trọng của môi giới chứng khoán (broker, tư vấn viên v.v..). Phần lớn nhà đầu tư không có thời gian để theo dõi diễn biến cũng như cập nhật thông tin thị trường. Hơn nữa họ cũng không dễ dàng nâng cao kinh nghiệm đầu tư cá nhân, vì kinh nghiệm thường chỉ đến sau sai lầm, mà trong đầu tư, khi bạn sai lầm quá nhiều có thể không còn cơ hội để đi tiếp.

Một tư vấn viên đủ tốt có thể từ kinh nghiệm của bản thân cùng những thông tin có được giúp nhà đầu tư đưa ra được các quyết định giao dịch phù hợp và chính xác hơn.

Dù đang có không ít các nhà đầu tư chọn tự giao dịch không cần tư vấn, nhưng họ đang bỏ đi cơ hội có được sự hỗ trợ vô cùng hữu ích từ broker mà chi phí bỏ ra không đổi (phí giao dịch dù có tư vấn hay không, hầu hết là như nhau hoặc chênh lệch không đáng kể ở mọi công ty chứng khoán).

Vấn đề ở chỗ

Chúng ta cần biết thu nhập của tư vấn viên hiện nay phần lớn đến từ phí giao dịch của khách hàng. Trong khi đó, vì “các giao dịch trong đầu tư chứng khoán có tính xác suất” nên nếu một nhà đầu tư giao dịch càng nhiều, khả năng xuất hiện các giao dịch sai sẽ càng tăng theo tần suất giao dịch. Điều này vô tình tạo ra xung đột lợi ích giữa tư vấn viên và khách hàng. Nếu khách không giao dịch tư vấn viên không có thu nhập, nhưng nếu khách giao dịch quá nhiều, khả năng cao sẽ xuất hiện nhiều sai lầm.

Ngoài ra, với ảnh hưởng nhất định của tư vấn viên, việc trục lợi từ các giao dịch “sau tư vấn” của khách hàng cũng xảy ra đối với các tư vấn viên không đủ “chuẩn” . Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể bắt gặp những hành vi “không vù hợp” khác thường xảy ra đối với tư vấn viên như: Để lộ thông tin khách hàng, quảng cáo sai sự thật để lôi kéo khách hoặc đưa thông tin tư vấn sai sự thật v.v..

Làm cách nào để khách hàng biết được tư vấn viên của mình có “Tâm” hay không?

Không dễ để khách hàng biết được môi giới của mình là người có tâm hay không, thường chỉ sau khi thiệt hại đáng kể và không thể sửa chữa, họ mới có thể nhận ra đã chọn nhầm người.

Đứng dưới góc độ vừa là một broker cùng vừa là một nhà đầu tư (tôi có một số môi giới hỗ trợ ở một vài công ty chứng khoán), có một số điểm nhà đầu tư cần chú ý khi chọn broker:

1.Chú ý vào tần suất giao dịch: Một môi giới chứng khoán có tần suất giao dịch ít chưa hẳn là một môi giới giỏi, nhưng một môi giới giao dịch quá nhiều chắc chắn là một môi giới tệ. Việc xác định thế nào là giao dịch nhiều tùy thuộc vào nhu cầu đầu tư của mỗi cá nhân, tuy nhiên tôi tin rằng các bạn có thể cảm nhận được tần suất giao dịch thế nào là nhiều.

2. Tư vấn có căn cứ: Không phủ nhận đôi khi cần có may mắn để có thể có những giao dịch có lời trên thị trường. Tuy nhiên đứng dưới góc độ là một người tư vấn, mọi lời nói cần phải có căn cứ. Nếu bạn thường xuyên nhận được những lời từ vấn “chay” (không có căn cứ kèm theo), khả năng cao bạn đã chọn nhầm môi giới.

3. Thường xuyên hô hào: Việc một môi giới tự tin vào nhận định của mình là một điều tốt, điều này chứng tỏ họ đã có những trải nghiệm nhất định và tin vào khả năng bản thân. Tuy nhiên những môi giới dày dạn kinh nghiệm luôn biết rằng ngay cả khi bạn chắc chắn đến 99% thì vẫn có 1% sai và họ thường ít khi lặp lại quá nhiều lần quan điểm của họ. Điều này để đảm bảo sự khách quan và giữ tâm lý cân bằng. Nếu bạn gặp một môi giới ngày nào cũng hô hào lặp đi lặp lại quan điểm cá nhân, họ có thể đang có mục đích không tốt phía sau.

4. Dựa vào nhu cầu cá nhân: Nói gì đi nữa, chỉ có nhà đầu tư mới hiểu được nhu cầu bản thân để lựa chọn môi giới. Phần lớn nhà đầu tư chọn cho mình một môi giới kinh nghiệm và thạo tin để hỗ trợ, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư chỉ cần một người cùng chia sẻ quan điểm thị trường hoặc giải tỏa những căng thẳng sau mỗi giao dịch trên thị trường… Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc với môi giới của mình khả năng cao bạn đã chọn đúng người.

Tóm lại, đầu tư chứng khoán là một công việc đường dài rất khó khăn, việc chọn cho mình một người đồng hành để cùng vượt qua những khó khăn trong quá trình đầu tư là điều rất cần thiết. Sẽ rất tuyệt vời nếu mỗi nhà đầu tư đều có cho mình một tư vấn đáng tin cậy. Hy vọng bài viết trên đây sẽ phần nào giúp các bạn tìm được cho mình một nhà tư vấn phù hợp.

—————————————–

Xem thêm: Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp chứng khoán

You cannot copy content of this page